Quảng Nam: Sơn Viên ưu tiên phát triển kinh tế vườn – rừng, tạo động lực nâng cao thu nhập cho người dân
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Xã Sơn Viên có lợi thế đất rừng tương đối lớn, địa phương đã huy động tối đa nguồn lực đầu tư để phát triển mạnh mô hình trồng rừng sản xuất. Song song với đó, xã tích cực vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị nông nghiệp, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các loại nông sản, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Địa phương đã tiến hành rà soát, thống kê diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch chuyển đổi các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác của địa phương; chuyển giao khoa học – kỹ thuật; xây dựng mô hình điểm và nhân rộng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao trên từng đơn vị diện tích.
Điển hình là mô hình chuyển đổi đất bỏ hoang, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen lấy hạt cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với trước. Từ 3 hộ thử nghiệm canh tác ban đầu, đến nay mô hình được nhân rộng với nhiều hộ dân tham gia.
Cùng với đó, Tổ hợp tác Sen Sơn Viên được thành lập và sản phẩm Hạt sen Tây Viên đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên trên địa bàn xã.
Nhận thấy địa phương có điều kiện thổ nhưỡng đất đai màu mỡ, xã Sơn Viên đã vận động người dân cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, trồng cây ăn quả tại vườn nhà như: bưởi da xanh, bưởi trụ Đại Bình, sầu riêng, chuối thanh tiêu, dừa xiêm.... Đồng thời kêu gọi các đơn vị doanh nghiệp, chuỗi liên kết tiến hành thu mua nông sản trái cây để đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân mở rộng sản xuất.
Trong đó có ông Nguyễn Đình Bá (thôn Phước Bình) là hộ tiên phong trồng dừa xiêm lùn trên địa bàn xã. Sau 3 năm trồng, nhận thấy cây dừa mang lại giá trị kinh tế cao nên ông đã nhân rộng diện tích lên gấp đôi, đem lại nguồn thu nhập ổn định giúp nâng cao mức sống cho gia đình.
Ưu tiên phát triển kinh tế vườn – rừng
Thực hiện theo Nghị quyết số 09 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam về Quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025, xã Sơn Viên đã khuyến khích và hỗ trợ ban đầu để người dân trồng cây dược liệu như: sâm ba kích, sâm bố chính....
Bước đầu nhận thấy các cây trồng dược liệu mới cơ bản thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Qua đó, vừa giúp khai thác có hiệu quả diện tích đất vườn đồi vừa giúp nâng cao thu nhập, phát triển đời sống cho người nông dân. Trong thời gian tới, địa phương sẽ kiểm nghiệm về năng suất, sản lượng để tiến hành nhân rộng quy mô.
Thêm một sự đổi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã Sơn Viên là mô hình trồng tre lấy măng. Cây tre được lựa chọn trồng thử nghiệm ở các điều kiện thổ nhưỡng khác nhau từ gò đồi, đất ngập nước và đất vườn không hiệu quả.
Đến nay, các diện tích đã phát triển tốt, một số diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch. Hợp tác xã Xanh Sơn Viên được thành lập để tăng hiệu quả sản xuất, đưa sản phẩm măng địa phương tiếp cận với nhiều thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp xã Sơn Viên đang tích cực chuyển dịch các đối tượng cây trồng theo hướng quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, sản xuất liên kết theo chuỗi gắn với thương hiệu sản phẩm.
Hoạt động dịch vụ của các Hợp tác xã nông nghiệp đáp ứng cơ bản được các nhu cầu trong sản xuất của nhân dân, đặc biệt là đã mạnh dạn đưa máy móc công nghiệp vào sản xuất, giảm sức lao động cho xã viên; chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi đến với xã viên và nhân dân. Từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Trong thời gian tới, Sơn Viên sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh đã ban hành về phát triển nông nghiệp; cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Hợp tác xã thực hiện các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trên cơ sở kết quả xây dựng bản đồ nông hóa, xã Sơn Viên đã rà soát, điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP và tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP mang giá trị đặc trưng của địa phương.