Vốn Agribank - nguồn lực quan trọng tạo nên sức sống mới cho người dân Quảng Nam
Chỗ dựa tin cậy của nhà nông
Người dân hăng hái lao động sản xuất, thu nhập cải thiện, hộ nghèo giảm, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao… tất cả đã tạo nên "bức tranh" kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam nhiều màu sắc, với những đổi thay ấn tượng. Kết quả đó, có sự đóng góp rất lớn của Ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Nam trong suốt hơn 35 năm qua.
Những năm qua, được sự đồng hành và tiếp vốn có hiệu quả của Agribank, mà hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có cuộc sống ổn định.
Mô hình chăn nuôi lợn (heo) và bán vật tư nông nghiệp của gia đình anh Lê Anh Dũng (47 tuổi) ở thôn Phú Bình, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam là một trong những mô hình điển hình như thế.
Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của anh Dũng, được anh Dũng cho biết: Trước đây vợ chồng anh làm lao động phổ thông ở địa phương, ai thuê gì làm đó nhưng thu nhập chỉ đủ sống qua ngày. Từ đó anh đã bàn với vợ xây dựng chuồng trại để nuôi lợn với quy mô lớn, làm hướng phát triển kinh tế tiếp theo cho gia đình.
Anh Dũng nhớ lại, năm 2005 với số tiền tích lũy được và vay thêm 10 triệu đồng từ Agribank Đại Lộc, anh đã đầu tư hơn 20 triệu đồng cho mô hình chăn nuôi lợn, ban đầu do nguồn vốn ít nên anh chỉ nuôi khoảng 10 con lợn thịt, ngoài ra còn chăn nuôi thêm gà, vịt.
Anh Dũng cho biết, dù có lúc thất bại nhưng với quyết tâm đổi đời, là trụ cột kinh tế cho gia đình anh không nản trí, vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm. Theo thời gian mô hình chăn nuôi lợn của anh phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Hàng năm anh đã lấy nguồn lãi thu được để trả tiền lãi cho ngân hàng và tái đầu tư mở rộng quy mô đàn lợn.
Trước đây, trang trại chăn nuôi lợn của anh Dũng mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 300 con lợn thịt. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch tả lợn châu Phi, giá thức ăn gia súc tăng cao nên ngành chăn nuôi gặp khó khăn, lãi không cao, anh chỉ duy trì đàn lợn khoảng 50 con/lứa (mỗi năm 3 lứa).
Hiện nay anh đang tập trung vào mảng buôn bán vật tư nông nghiệp và thu mua hàng nông sản (chủ yếu là lúa), mỗi vụ anh thu mua hơn 300 tấn lúa cho người dân trên địa bàn.
Anh Dũng chia sẻ, mô hình kinh tế tổng hợp gồm chăn nuôi lợn thịt, bán vật tư nông nghiệp, thu mua hàng nông sản đã giúp cho gia đình anh lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Nhờ đó, vợ chồng anh đã thoát khỏi cảnh khó khăn, có nguồn thu nhập ổn định để nuôi con cái ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang.
Sau nhiều lần vay trả, đến nay tổng dư nợ của anh Dũng là 2 tỷ đồng, việc được Agribank "hậu thuẫn" đã giúp cho anh không còn cảnh lo sợ thiếu vốn, nhất là vào các vụ mùa. Được biết, ngoài làm kinh tế giỏi, anh Dũng còn giải quyết việc làm cho 5 lao động thời vụ tại địa phương.
"Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, gia đình tôi nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các hội đoàn thể của xã, đặc biệt là nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Agribank. Agribank thực sự là người bạn đồng hành, chỗ dựa tin cậy của nông dân để phát triển sản xuất, kinh doanh…", anh Dũng vui mừng nói.
Phất lên nhờ vốn Agribank
Còn tại huyện miền núi Nam Giang, nhờ vốn vay 1 tỷ đồng từ Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Nam Giang, mà ông Đặng Đình Dần (ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) đã mở rộng kinh doanh các mặt hàng tạp hoá.
Ông Dần cho biết, trước đây vì không có vốn cửa hàng tạp hóa của ông còn nhỏ, các mặt hàng còn thiếu thốn. Được Agribank cho vay vốn, hai vợ chồng ông đã mở rộng cửa hàng tạp hóa, xây dựng nhà cửa để kinh doanh, các mặt hàng vì thế cũng được phong phú hơn.
Nhờ đó sức mua của người dân tăng lên, lợi nhuận cũng tăng theo. Hiện mỗi năm, cửa hàng tạp hóa của gia đình ông Dần cho lãi ròng khoảng hơn 400 triệu đồng.
Ông Dần bộc bạch, cuộc sống gia đình nay khấm khá, có tiền làm nhà, cho con ăn học. "Sống ở đây chủ yếu nhờ kinh doanh, tạo điều kiện cho các con ăn học, bây giờ trưởng thành hết rồi. Đời sống nói chung cũng ổn, giờ 2 vợ chồng phát triển kinh doanh mua đất, mua nhà cho con...".
Cạnh đó không xa, mô hình kinh tế trang trại của anh Vũ Văn Hoàng, ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam là một mô hình kinh tế điểm của địa phương.
Mấy năm trước, anh Hoàng làm việc tại Công ty TNHH MTV Cao Su Nam Giang. Làm việc quanh năm nhưng đồng lương không đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Năm 2021, anh Hoàng mạnh dạn vay hơn 300 triệu đồng từ Ngân hàng Agribank cộng với số tiền tích lũy được, anh mua đất để trồng rừng, nuôi heo rừng lai. Hiện trang trại của gia đình anh Hoàng có hơn 3ha trồng cây sa nhân, cây dỗi lấy hạt, cây cau cùng đàn heo rừng lai gần 100 con, ngoài ra anh Hoàng còn nuôi heo giống để bán cho các hộ dân.
"Nhờ Ngân hàng Agribank hỗ trợ cho tôi vay vốn làm trang trại này rồi có tiền cung cấp con giống. Ngoài nuôi heo rừng lai tôi còn trồng các loại cây hương dược liệu trên vườn và tiếp tục mở rộng đầu tư, tăng số đàn heo lên. Hiện tôi vẫn có nhu cầu vay vốn để tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế của gia đình…", anh Hoàng cho hay.
Được biết, thời gian qua, Agribank nói chung và Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Nam nói riêng luôn chú trọng đầu tư và đổi mới kỹ thuật công nghệ nhằm đa dạng hóa các gói sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ và với mong muốn "Mang phồn thịnh đến khách hàng", trở thành "Người bạn đồng hành đáng tin cậy" của nhiều khách hàng là hộ sản xuất, cá nhân và doanh nghiệp.
Với cách làm thiết thực, hiệu quả, Agribank luôn là địa chỉ tin cậy, đồng hành với khách hàng, nhất là bà con nông dân trong đầu tư phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Quảng Nam.