Quảng Nam rà soát việc trồng, tiêu thụ sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp

18/11/2023 11:40 GMT+7
Bên cạnh yêu cầu rà soát việc trồng và chế biến, tiêu thụ sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp ra, UBND tỉnh Quảng Nam còn yêu cầu xem xét, xử lý theo đúng quy định, tránh tình trạng sâm giả, các hành vi lừa đảo của các doanh nghiệp theo phản ánh của báo chí thời gian vừa qua.

Ngày 18/11, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tại cuộc họp giao ban, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo các nội dung liên quan việc cho thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam “tổng rà soát” việc trồng và chế biến, tiêu thụ sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp - Ảnh 1.

Quảng Nam “tổng rà soát” việc trồng và chế biến, tiêu thụ sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp. Trong ảnh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu trong một lần kiểm tra vườn sâm Ngọc Linh giống ở Nam Trà My. Ảnh: CTV

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh rà soát, đánh giá thực trạng, tình hình sử dụng môi trường rừng của các doanh nghiệp trồng sâm trên địa bàn tỉnh và tham mưu UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để xem xét, có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định về thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm (theo quyết định chủ trương đầu tư và hợp đồng cho thuê môi trường rừng trồng sâm).

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam còn chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND huyện Nam Trà My kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến việc trồng và chế biến, tiêu thụ sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý theo đúng quy định, tránh tình trạng sâm giả, các hành vi lừa đảo của các doanh nghiệp theo phản ánh của báo chí thời gian vừa qua.

Quảng Nam “tổng rà soát” việc trồng và chế biến, tiêu thụ sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp - Ảnh 2.

Sâm Ngọc Linh được trồng tại Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh: CTV

Riêng đối với trường hợp diện tích rừng trồng sâm Ngọc Linh đã giao cho hộ dân thuê, căn cứ quy định tại Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ, Sở NN&PTNT đề xuất cho phép thí điểm cho người dân trồng sâm dưới tán rừng đặc dụng để đảm bảo sinh kế gắn với quản lý, bảo vệ rừng; tham mưu UBND tỉnh báo cáo, xin ý kiến Bộ NN&PTNT để làm căn cứ xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cho phép trước khi thực hiện…

Quảng Nam “tổng rà soát” việc trồng và chế biến, tiêu thụ sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp - Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khảo sát, kiểm tra sâm tại các phiên chợ được tổ chức ở Nam Trà My. Ảnh: NTM

Liên quan đến sâm Ngọc Linh, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo trả lời ý kiến cử tri trong tỉnh (trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV) liên quan việc cây giống sâm Ngọc Linh cấp hỗ trợ bị chết sau khi trồng.

Theo đó, cử tri đã phản ánh và đề nghị có báo cáo kiểm tra, đánh giá chất lượng đối với nguồn cây giống sâm Ngọc Linh cấp hỗ trợ cho người dân, vì số lượng cây giống được cấp hỗ trợ cho huyện Nam Trà My (theo Nghị quyết số 41 của HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018 - 2025) bị chết rất nhiều sau khi đưa vào trồng (dù đã đảm bảo các quy trình, kỹ thuật trồng).

Quảng Nam “tổng rà soát” việc trồng và chế biến, tiêu thụ sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp - Ảnh 4.

Sâm Ngọc Linh giống. Ảnh: T.H

Trước ý kiến của xử tri, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết số 41 của HĐND tỉnh, tính đến ngày 31/12/2021, tổng số giống sâm Ngọc Linh đã hỗ trợ cho người dân là 33.150 cây (gồm 23.600 cây từ Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, 9.550 cây từ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My). Qua theo dõi báo cáo từ các địa phương, đơn vị chuyên môn của huyện Nam Trà My, tình hình sinh trưởng phát trưởng phát triển của cây giống sâm hỗ trợ trong giai đoạn này ổn định, chưa có thông tin về tình hình phát sinh bệnh hại.

Quảng Nam “tổng rà soát” việc trồng và chế biến, tiêu thụ sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp - Ảnh 5.

UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị xem xét, xử lý theo đúng quy định, tránh tình trạng sâm giả, các hành vi lừa đảo của các doanh nghiệp theo phản ánh của báo chí thời gian vừa qua. Ảnh: T.H

Ngày 21/4/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 09 về quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025 thay thế Nghị quyết số 41. Đến nay, nghị quyết đã hỗ trợ cho người dân huyện Nam Trà My 93.000 cây sâm giống, gồm 20.000 cây giống nhận trồng trong tháng 11/2022 và 73.000 cây giống nhận trồng trong tháng 9/2023. Hiện cây sâm Ngọc Linh đã vào thời kỳ ngủ đông, chưa có thông tin về tình hình sinh trưởng của cây sâm hỗ trợ trong các đợt này.

Tuy nhiên, để có cơ sở xác định nguyên nhân gây chết cây sâm Ngọc Linh trồng từ năm 2018 đến nay theo phản ánh của cử tri, đề nghị cử tri có thông tin cụ thể hơn về lô giống, thời gian nhận, vùng trồng để có cơ sở kiểm tra.

UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị UBND huyện Nam Trà My chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đơn vị cung ứng giống, các địa phương và người dân được nhận giống hỗ trợ theo Nghị quyết số 41 trước đây tiến hành kiểm tra, rà soát để thống kê theo từng năm số lượng cây chết; đồng thời đánh giá xác định nguyên nhân cụ thể…

Trương Hồng
Cùng chuyên mục