Quảng Ngãi: Báo cáo Tổng cục Thuỷ lợi thông tin nghi vấn dự án kênh tác dụng ngược

27/10/2021 12:53 GMT+7
Sau khi PV Etime có loạt bài phản ánh nghi vấn dự án đầu tư kênh S18-2 (đoạn từ xã Đức Nhuận - Đức Thắng) sau khi nâng cấp phát huy tác dụng ngược, gây thiếu nước tưới cho đất sản xuất của người dân, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã có báo cáo cho Tổng cục Thuỷ lợi-Bộ NN&PTNT về thực trạng của tuyến kênh này.

Sáng 27/10, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết trên cơ sở kiểm tra và báo cáo của Công ty khai thác thuỷ lợi (đơn vị quản lý vận hành), đã có văn bản (số 3329/SNNPTNT-QLXDCT, ngày 22/10/2021) báo cáo Tổng cục Thuỷ lợi-Bộ NN&PTNT, nêu rõ về thực trạng của tuyến kênh S18-2.

Quảng Ngãi:
Báo cáo Tổng cục Thuỷ lợi thông tin nghi vấn dự án kênh tác dụng ngược
 - Ảnh 1.

Một đoạn của dự án đầu tư nâng cấp tuyến kênh S18-2. Ảnh: Tới Phan.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, kênh S18-2 là tuyến kênh cấp 2, thuộc hệ thống công trình thuỷ lợi Thạch Nham, có tổng chiều dài khoảng 9.622m, lấy nước trực tiếp từ kênh S18 (cấp 1) tại điểm K4+154, để cung cấp nước tưới cho 1.049ha đất sản xuất của người dân 5 xã của huyện Mộ Đức, gồm: Đức Hiệp, Đức Chánh, Đức Nhuận, Đức Thắng và Đức Lợi.

Đoạn từ K0 - K1+521, dài 1.521m là kênh đất, chưa được đầu tư kiên cố hoá; đoạn từ K1+521 - K3+097, dài 1.576m và đoạn từ K4+718 – K5+310, dài 592m được kiên cố hoá bê tông cốt thép vào năm 2017, do BQL DA đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay được sáp nhập về BQL DA các công trình giao thông), làm chủ đầu tư.

Đối với đoạn từ K3+097 - K4+718 có chiều dài khoảng 1.621m, được kiên cố bằng bê tông tấm lát chít mạch từ năm 2004, hiện đã bị xuống cấp và hư hỏng, nhưng chưa được sửa chữa và nâng cấp; đoạn từ K7+605,89 – K9+622 có chiều dài khoảng 2.017m, là kênh đất

Riêng đối với đoạn từ K5+310 – K7+605,89 (Đức Nhuận - Đức Thắng, đoạn nằm trong dự án mà PV Etime phản ánh), có chiều dài 2.295m được đầu tư kiên cố hoá trong năm 2018-2019.

Quảng Ngãi:
Báo cáo Tổng cục Thuỷ lợi thông tin nghi vấn dự án kênh tác dụng ngược
 - Ảnh 3.

Đoạn chưa được kiên cố hoá của tuyến kênh S18-2. Ảnh: Tới Phan.

Chủ đầu tư dự án kiên cố hoá đoạn kênh này (Đức Nhuận - Đức Thắng) là BQL DA đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay được sáp nhập về BQL DA các công trình giao thông) làm chủ đầu tư, chứ không phải Công ty khai thác thuỷ lợi, như thông tin đã nêu tại buổi họp báo Quý III, do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chủ trì (với sự tham gia của các cấp ngành trực thuộc và đại diện cơ quan báo chí) vào ngày 14/10 vừa qua.

Theo báo cáo của Công ty khai thác thuỷ lợi Quảng Ngãi (đơn vị quản lý và vận hành), tình trạng thiếu nước (ở phía dưới của dự án kênh vừa được đầu tư kiên cố hoá, mà người dân phản ánh và báo chí đăng tải) thường xảy ra trong vụ Hè - Thu, kể cả trước và sau khi đầu tư nâng cấp, sửa chữa tại một số đoạn của tuyến kênh S18-2 vào các năm 2017-2018.

Riêng vụ Hè – Thu năm 2021, đất sản xuất thiếu nước tưới xảy ra tại 5 thôn của xã Đức Thắng, gồm: Thanh Long, An Tĩnh, Tân Định, Gia Hoà và Dương Quang, với diện tích khoảng 69ha.

Quảng Ngãi:
Báo cáo Tổng cục Thuỷ lợi thông tin nghi vấn dự án kênh tác dụng ngược
 - Ảnh 5.

Những vị trí mà người dân tự đục, khoan để lấy nước. Ảnh: Tới Phan.

Trước tình trạng trên thời gian qua, chính quyền huyện Mộ Đức đã đầu tư 2 trạm bơm để chống hạn cho khoảng 75 ha đất sản xuất của người dân ở xã Đức Thắng.

Cụ thể năm 2020 đã đầu tư và nâng cấp trạm bơm Thanh Long, cung cấp nước tưới cho khoảng 30 ha; hiện Mộ Đức đang tiếp tục đầu tư mới trạm bơm Gia Hoà, nhằm cung cấp thêm cho khoảng 45 ha (dự kiến sẽ đưa vào hoạt động  trong năm 2022).

Quảng Ngãi:
Báo cáo Tổng cục Thuỷ lợi thông tin nghi vấn dự án kênh tác dụng ngược
 - Ảnh 6.

Lực lượng chức năng đi kiểm tra tại kênh S18-2. Ảnh: Tới Phan.

Từ thực trạng nêu trên và qua phối hợp kiểm tra với Công ty khai thác thuỷ lợi, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi đưa kết luận nguyên nhân gây thiếu nước của tuyến kênh S18-2.

Cụ thể do một số đoạn kênh đắp có bờ thấp, bị bồi lắng (đoạn từ K0 - K1+521, với chiều dài 1.521m) nên không bảo đảm tải nước theo lưu lượng thiết kế. Vì vậy nếu mở cửa cổng ở đầu kênh đúng thiết kế, nước sẽ tràn qua kênh.

Quảng Ngãi:
Báo cáo Tổng cục Thuỷ lợi thông tin nghi vấn dự án kênh tác dụng ngược
 - Ảnh 7.

Cùng trám, trít những vị trí dân tự khoan đục, về giải pháp lâu dài, theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cần phải đầu tư để kiên cố những đoạn kênh đất còn lại. Ảnh: Tới Phan.

Tại nhiều vị trí ở kênh S18-2, người dân tự đục lỗ lấy nước tưới, góp phần làm thiếu nước ở đoạn cuối; đoạn từ K7+605,89 – K9+622 (đoạn cuối, có chiều dài khoảng 2.017m) là kênh đất, hiện đang bị xói lở và bồi lấp, dẫn đến lượng nước thất thoát lớn.

Theo đó Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị trước mắt, Công ty khai thác thuỷ lợi nạo vét lòng kênh, đắp đất tôn cao thêm bờ trung bình khoảng 0,3m (đoạn đầu kênh từ K0 - K1+521), để đảm bảo lượng nước tải đúng theo thiết kế; trám, trít các lỗ lấy nước mà người dân tự đục, khoan. Về giải pháp lâu dài, theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cần phải đầu tư để kiên cố những đoạn kênh đất còn lại.

Tới Phan
Cùng chuyên mục