Quảng Ngãi: Sở NN&PTNT và đơn vị vận hành nói về dự án kênh tác dụng ngược
Chiều 15/10, làm việc với PV Etime, đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi (gọi tắt Công ty khai thác thuỷ lợi) Quảng Ngãi cho biết, đơn vị chỉ đảm nhận quản lý và vận hành, chứ không phải là chủ đầu tư dự án nâng cấp kênh S18-2, đoạn từ xã Đức Nhuận-Đức Thắng, huyện Mộ Đức, như thông tin được cung cấp tại buổi họp báo.
Chủ đầu tư của dự án là Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (nay đã được sáp nhập vào Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông).
Trong tổng chiều dài gần 10 km của toàn tuyến kênh S18-2, qua nhiều lần được đầu tư nâng cấp, hiện phần đã được bê tông hoá ước gần 6,5 km; còn lại là kênh đất.
Cụ thể là đoạn đầu (tiếp giáp với kênh chính S18), dài khoảng 1,5 km và hiện vẫn còn ổn định; đoạn còn lại nằm ở cuối, thuộc xã Đức Thắng, với chiều dài khoảng 2km và hiện đã xuống cấp và hư hỏng trầm trọng.
"Trong quá trình vận hành cung cấp nước tưới, có phát hiện điều gì bất thường tại đoạn kênh vừa được nâng cấp không?", PV Etime đặt câu hỏi, đại diện Công ty khai thác thuỷ lợi Quảng Ngãi bày tỏ, phải đo đạc cụ thể các thông số kỹ thuật, mới trả lời chính xác được.
Tuy nhiên đến thời điểm này dù đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng hiện Công ty khai thác thuỷ lợi Quảng Ngãi vẫn chưa chính thức được bàn giao đoạn kênh này.
Đại diện Công ty khai thác thuỷ lợi Quảng Ngãi giải thích: "Như đã nói ở trên, việc đầu tư nâng cấp và kiên cố hoá của tuyến kênh S18-2 diễn ra trong nhiều thời điểm khác nhau, chứ không phải làm 1 lần nên dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng đến sự đồng bộ và quá trình vận hành cung cấp nước tưới của toàn bộ tuyến kênh".
Điều đáng chú ý theo đại diện Công ty khai thác thuỷ lợi Quảng Ngãi kể từ khi đưa vào hoạt động đến nay, tại đoạn kênh vừa được đầu tư nâng cấp (Đức Nhuận-Đức Thắng) xảy ra tình trạng người dân có đất sản xuất nằm tiếp giáp, tự ý đục lỗ để lấy nước trực tiếp từ kênh, thay vì sẽ được cung cấp theo hệ thống mương dẫn hiện có. Tình trạng này đã làm ảnh hưởng đến việc cung cấp nước tưới cho số diện tích ở cuối kênh.
Việc thiếu nước đối với số diện tích đất mà báo chí đã phản ảnh, chủ yếu là khu vực ở đoạn cuối của kênh S18-2, thuộc xã Đức Thắng, rơi vào thời điểm vụ Hè-Thu, với diện tích khoảng 30 ha; còn vụ Đông – Xuân thì tạm ổn (diện tích thiếu nước ít hơn).
Vào chiều cùng ngày, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo thông tin sơ bộ ban đầu nắm được, quá trình triển khai thực hiện đầu tư nâng cấp dự án đoạn kênh S18-2 tương đối ổn.
Hiện Sở NN&PTNT đã có kế hoạch làm việc với các đơn vị liên quan, kiểm tra hiện trường dự án để xác minh và báo cáo vụ việc theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
Được biết tuyến kênh S18-2 có tổng chiều dài khoảng 10 km. Đây là kênh cấp 2, thuộc hệ thống công trình thuỷ lợi Thạch Nham, lấy nước trực tiếp từ kênh S18 (cấp 1), tại điểm K4+154.
Theo phản ánh thì sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động (trước khi được đầu tư nâng cấp bê tông hoá), kênh S18-2 vẫn đảm bảo cung cấp nước tưới cho gần 277 ha đất sản xuất của người dân xã Đức Thắng.
Vào năm 2019 từ nguồn ngân sách, 1 phần của tuyến kênh S18-2, đoạn từ xã Đức Nhuận - Đức Thắng (K5+310 – K7+586), được đầu tư nâng cấp bê tông cốt thép.
Điều đáng nói là lẽ ra sau khi hoàn thành sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn thế nhưng, dự án nâng cấp đoạn kênh lại có tác dụng ngược, làm tình trạng thiếu nước tưới của hàng trăm ha cây trồng của người dân ở 5 thôn của xã Đức Thắng, trở nên trầm trọng hơn.
"Trên cơ sở kết quả kiểm tra và xác minh của cơ quan chức năng, tất cả các tổ chức và cá nhân vi phạm trong quá trình thực hiện dự án, sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh khẳng định.