Quảng Ninh "kích hoạt" kinh tế ban đêm, hướng tới ngành du lịch "không ngủ"
Ngày 14/12, tại TP.Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức cuộc họp báo cáo tiến độ triển khai xây dựng Đề án Phát triển kinh tế ban đêm. Theo đó, đề án được xây dựng 5 thành phần chính, trong đó xác định quan điểm phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt, sản phẩm khác biệt dựa vào 3 trụ cột là thiên nhiên, con người và văn hóa.
Trên cơ sở nghiên cứu nội dung Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 và tham khảo một số địa phương khác trên cả nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh đã dự thảo đề cương và tổng hợp bổ sung ý kiến, hoàn thiện lần 2 Đề án thí điểm phát triển kinh tế ban đêm giai đoạn 2020-2025.
Mục đích là xây dựng Quảng Ninh trở thành một điểm đến sôi động, hấp dẫn, đặc sắc, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm, thưởng thức ẩm thực về đêm của người dân và du khách, với những sản phẩm, dịch vụ mang tính biểu tượng, khác biệt.
Phạm vi của kinh tế ban đêm chủ yếu tập trung vào 4 lĩnh vực: Văn hóa, vui chơi, giải trí; dịch vụ ăn uống; dịch vụ mua sắm; dịch vụ du lịch. Các hoạt động của kinh tế ban đêm sẽ diễn ra từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Trong đó, giai đoạn 1 (giai đoạn thí điểm), dự kiến từ năm 2021-2022, tỉnh sẽ khảo sát, chọn lọc tổ chức khai thác các khu vực, dịch vụ phục vụ kinh tế ban đêm sẵn có trên nguyên tắc đảm bảo mỹ quan, an ninh trật tự. Giai đoạn 2 từ năm 2020-2025 hoàn thành quy hoạch định hướng phát triển kinh tế ban đêm; giai đoạn 3 dự kiến từ năm 2025 trở đi hoàn thành đưa vào hoạt động các dự án, các tổ hợp giải trí ban đêm.
Kinh tế ban đêm được các chuyên gia đánh giá là một tiềm năng của tỉnh Quảng Ninh, tuy nhiên, vẫn chưa được khai thác một cách thực sự. Nhiều năm trước, Quảng Ninh đã quan tâm đến phát triển loại hình du lịch này với sự xuất hiện của một số chợ đêm, phố đi bộ kết hợp ẩm thực...
Nhiều hoạt động về đêm đã được Quảng Ninh tổ chức thành công như: Liên hoan xiếc Quốc tế, Festival Âm nhạc quốc tế Hạ Long, chợ đêm, phố đi bộ, các show diễn, âm nhạc đường phố, lễ hội Carnaval, ẩm thực...
Đặc biệt đối với khu kinh tế Vân Đồn, nơi đang được Chính phủ và tỉnh Quảng Ninh chú trọng đầu tư để trở thành thành trung tâm du lịch và giải trí có casino thì việc phát triển kinh tế ban đêm đang được quan tâm. Theo đó, Vân Đồn được kỳ vọng sẽ đi đầu trong phát triển kinh tế đêm, trở thành “thành phố không ngủ” sôi động bậc nhất trong tương lai.
Theo các chuyên gia về du lịch, phát triển kinh tế đêm tại Quảng Ninh là xu thế tất yếu. Bởi, một thành phố năng động, đông khách du lịch quốc tế không thể thiếu các không gian khám phá, tham quan, mua sắm và giải trí về đêm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các hoạt động dịch vụ về đêm chủ yếu tập trung tại 2 trung tâm du lịch của tỉnh là TP.Hạ Long và TP.Móng Cái. Ngoài các tour ngủ đêm trên Vịnh Hạ Long, du lịch Quảng Ninh đang bỏ trống một khoảng lớn về dịch vụ thương mại, giải trí, tham quan ban đêm do chưa có nhiều sản phẩm và bị hạn chế bởi quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ông Bùi Văn Khắng khẳng định: Phát triển kinh tế ban đêm sẽ tăng việc làm và thu nhập cho các tổ chức kinh tế, người lao động, đồng thời làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tăng công suất hữu dụng cho các cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ, giao thông vận tải…
Tuy nhiên, để phát triển kinh tế ban đêm một cách hiệu quả thì các địa phương, sở, ngành cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức quản lý để mạnh dạn ưu tiên cho các hoạt động kinh tế ban đêm phát triển thuận lợi nhưng vẫn dựa trên nguyên tắc thị trường. Do đó cần có quy hoạch bài bản và một nghiên cứu nghiêm túc.
Để sớm hoàn thiện Đề án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tập trung xây dựng quy hoạch, mô hình thí điểm, nhận diện rủi ro để có cơ chế quản lý vận hành, cơ chế chính sách thúc đẩy các mô hình phát triển; các địa phương, đặc biệt là TP.Hạ Long và TP.Uông Bí cần sớm làm việc với các doanh nghiệp để xác định địa điểm, loại hình dịch vụ.
Đồng thời cần nâng cao nhận thức cho chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp về phạm vi và vai trò của kinh tế ban đêm. Từ đó giảm dần, tiến tới xóa bỏ định kiến về những tiêu cực của kinh tế ban đêm, định kiến về các loại hình, hoạt động và các điểm vui chơi giải trí về đêm.