Quảng Ninh quyết tâm không để siêu bão làm đứt gãy nhịp tăng trưởng 2 con số

28/09/2024 16:19 GMT+7
Tỉnh Quảng Ninh đang tập trung khắc phục khó khăn, phục hồi, tái thiết đời sống kinh tế - xã hội sau bão số 3 (siêu bão Yagi). Địa phương này kiên định với mục tiêu tăng trưởng đạt 2 con số trong năm 2024.

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa họp phiên thường kỳ vào ngày 27/9 vừa qua để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024; triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác của 3 tháng còn lại.

Quảng Ninh quyết tâm không để siêu bão làm đứt gãy nhịp tăng trưởng 2 con số - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy chủ trì cuộc họp. Ảnh: QMG

Đến hết tháng 8/2024, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quảng Ninh có nhiều kết quả nổi bật, kinh tế giữ tốc độ phát triển ổn định. Ngày 7/9, bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào tỉnh, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, tổng thiệt hại ước tính gần 25.000 tỷ đồng, khiến một số chỉ tiêu kinh tế, tăng trưởng bị ảnh hưởng. Hiện Tổng cục Thống kê chưa công bố, tuy nhiên theo nhận định từ các đơn vị dự họp, tăng trưởng kinh tế sẽ không đạt kế hoạch đề ra.

Ngay trước, trong và sau cơn bão, công tác lãnh đạo chỉ đạo, phối hợp, huy động lực lượng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả được triển khai đồng bộ, quyết liệt, quyết tâm cao, nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả. Nhờ vậy, toàn tỉnh Quảng Ninh đã khắc phục nhanh chóng các thiệt hại, khôi phục các tiện ích cơ bản.

Tỉnh cũng đã tập trung tháo gỡ, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm bớt khó khăn cho người dân. Quảng Ninh đã thông qua một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn với kinh phí đến nay là 1.180 tỷ đồng.

Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, công nghiệp - xây dựng bị thiệt hại ít nhất sau bão trong 3 khu vực kinh tế, vì thế kết quả tăng trưởng trong 9 tháng vẫn khá tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 9,25% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với kết quả tăng 28,3% so với cùng kỳ.

Còn lại dịch vụ - du lịch và nông, lâm, ngư nghiệp chịu thiệt hại nặng nề sau bão số 3. Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, các lĩnh vực này đang từng bước khôi phục.

Quảng Ninh quyết tâm không để siêu bão làm đứt gãy nhịp tăng trưởng 2 con số - Ảnh 3.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh báo cáo kết quả tình hình phát triển kinh tế -xã hội 9 tháng đầu năm 2024. Ảnh: QMG

Lũy kế 9 tháng năm 2024, Quảng Ninh đã đón trên 15,6 triệu lượt khách, tăng 20% cùng kỳ, bằng 98,1% kịch bản tăng trưởng 9 tháng. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 40.417 tỷ đồng, bằng 73% dự toán năm. Trong đó thu từ xuất nhập khẩu đạt 13.800 tỷ đồng, bằng 106% dự toán năm; thu nội địa 26.332 tỷ đồng, bằng 62% dự toán năm.

Tổng vốn thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh dự kiến đến hết ngày 26/9/2024 đạt trên 1,7 tỷ USD, bằng 59% kế hoạch năm.

Sau khi nghe báo cáo từ các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho rằng, dù đã rất nỗ lực, tuy nhiên nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội vẫn chưa đạt được như kế hoạch đề ra. Trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Trong quý cuối cùng của năm 2024, quan điểm của tỉnh là tập trung khắc phục khó khăn, phục hồi, tái thiết kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Quảng Ninh sẽ kiên định với mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2024.

Để làm được điều này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị tiếp tục tập trung các giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3; có các đề xuất, kiến nghị đối với các nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Trung ương, trọng tâm là các chính sách hỗ trợ về sản xuất, kinh doanh, chính sách về tín dụng (giãn, hoãn nợ, vay vốn,...). Triển khai xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết kinh tế để làm cơ sở chỉ đạo, điều hành, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của Quy hoạch tỉnh và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp.

Cần thực hiện ngay điều chỉnh kịch bản tăng trưởng kinh tế, thực hiện rà soát, tính toán, có sự cân nhắc kỹ lưỡng, tìm kiếm các ngành, lĩnh vực có dư địa tốt để bù đắp tăng trưởng cho các ngành, lĩnh vực còn thiếu và yếu.

Kiên trì giữ vững sức sản xuất của các trụ cột kinh tế thông qua việc triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ. Đồng hành cùng ngành Than trong việc tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ khắc phục hậu sau bão. Có các giải pháp xúc tiến và hỗ trợ nhà đầu tư, đảm bảo mục tiêu thu hút FDI trong các tháng cuối năm. Triển khai các chương trình, hoạt động kích cầu thu hút khách du lịch năm 2024, nâng cao các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao.

Cần tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước năm 2024. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là về quy hoạch, đất đai, xây dựng, đô thị, tài nguyên môi trường, khoáng sản; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Thu Lê
Cùng chuyên mục