Quốc gia đầu tiên chấp nhận bitcoin là đồng tiền pháp định
Các nhà lập pháp Quốc hội tại quốc gia Trung Mỹ này đã tiến hành bỏ phiếu, kết quả cho thấy 62/84 phiếu bầu đồng thuận chấp nhận bitcoin như một đồng tiền pháp định.
Trước đó, hôm thứ Tư, Tổng thống Nayib Bukele đã gửi dự luật tới Quốc hội để tiến hành biểu quyết. Mục đích của dự luật là biến bitcoin thành một đồng tiền pháp định với quyền tự do, không giới hạn cho bất kỳ giao dịch nào, đối với bất kỳ chức danh nào mà các cá nhân, tổ chức pháp lý hoặc tư nhân yêu cầu thực hiện”.
Như vậy, sau khi dự luật được các nhà lập pháp El Salvador thông qua, người tiêu dùng nước này giờ có thể thanh toán với mức giá được quy đổi sang bitcoin, thậm chí đóng thuế bằng bitcoin.
Từ lâu, các nhà lập pháp toàn cầu đã cảnh giác với nguy cơ biến động giá quá lớn của bitcoin. Các nhà phê bình cho rằng việc biến động giá như vậy khiến cho bitcoin không phù hợp để trở thành một loại tiền tệ pháp định dùng trong thanh toán thực tế. Vẫn chưa rõ El Salvador sẽ triển khai đưa bitcoin thành đồng tiền pháp định như thế nào.
Đơn vị tiền tệ chính thức hiện tại của quốc gia này là USD. Theo dự luật vừa được thông qua, tỷ giá hối đoái của bitcoin với đồng USD tại El Salvador sẽ do thị trường tự do thiết lập.
Dự luật của El Salvador cũng tuyên bố nhà nước sẽ tăng cường các cơ chế cần thiết để giúp người dân tiếp cận các giao dịch bitcoin. Khoảng 70% dân số El Salvador không có quyền truy cập vào các dịch vụ tài chính truyền thống, theo đó tiền điện tử như bitcoin được các nhà lập pháp kỳ vọng sẽ giúp người dân tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính.
Dù đã được đa số Quốc hội chấp thuận, đề xuất sẽ cần phải thông qua quy trình lập pháp của El Salvador trước khi được thông qua thành luật. Tuần trước, Tổng thống El Salvador tuyên bố quốc gia này sẽ hợp tác cùng ví điện tử Strike để xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại cho đất nước bằng cách sử dụng công nghệ bitcoin.
Đối lập với động thái mở của El Salvador, nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc từ lâu đã có những giới hạn về giao dịch tiền điện tử trong biên giới quốc gia. Các quan chức Bắc Kinh đã cảnh báo vào năm 2013 rằng bitcoin không phải là tiền tệ thực, đồng thời cấm các tổ chức tài chính và thanh toán sử dụng nó. Các cá nhân có thể nắm giữ hoặc giao dịch tiền điện tử, nhưng các sàn giao dịch lớn ở Trung Quốc đại lục đã bị đóng cửa.
Các tuyên bố gần đây có thể xem là tín hiệu rõ ràng từ Bắc Kinh, rằng Trung Quốc sẽ không sớm nới lỏng hạn chế trên thị trường tiền điện tử. Các nhà chức trách cũng đang thúc đẩy sự ra mắt đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số dưới sự kiểm soát của Ngân hàng trung ương PBoC để giữ hệ thống tài chính ổn định.
Không riêng Trung Quốc, chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã cảnh giác với các đồng tiền ảo từ lâu. Tại Mỹ, Bộ Tài chính cũng mạnh tay khi tuyên bố mọi giao dịch tiền điện tử trị giá từ 10.000 USD trở lên phải thông qua sở Thuế vụ IRS.
Hôm 20/5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Fed Jerome Powell đã cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn mà tiền điện tử gây ra cho hệ thống tài chính. Ông Powell cũng tiết lộ Fed sắp xuất bản một ấn phẩm về tác động tiềm năng nếu chính phủ Mỹ phát triển một đồng tiền kỹ thuật số riêng, tương tự như đồng tệ số của Trung Quốc.
“Một loại tiền kỹ thuật số tiềm năng của ngân hàng Trung ương "có thể đóng vai trò bổ sung chứ không phải thay thế tiền mặt” - Thống đốc Fed nhấn mạnh.
Bitcoin cho đến nay đã giảm mạnh từ mức kỷ lục 64.829,14 USD ghi nhận hồi tháng 4, theo dữ liệu của Coindesk. Tuy nhiên, nó vẫn tăng hơn 230% trong 12 tháng qua, do nhận được sự quan tâm ngày càng tăng từ các tổ chức và doanh nghiệp.