Quốc hội thông qua 27 điểm đột phá, đặc thù để TP.HCM phát triển xứng tầm đầu tàu kinh tế cả nước

An Linh Thứ bảy, ngày 24/06/2023 15:57 PM (GMT+7)
Với 97,37% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trong đó có nhiều điểm đột phá, đặc thù về chính sách.
Bình luận 0

27 điểm mới chính sách đặc thù cho TP.HCM phát triển vượt bậc

Một trong những nội dung đáng được chú ý là chủ trương cho phép nhà nước được tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư của dự án PPP. Theo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cơ chế này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho TP.HCM, tăng hiệu quả đầu tư dự án, thu hút nhà đầu tư tham gia, giảm mức chi trả của người dân.

Trước đó, trong báo cáo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Uỷ ban TC-NS, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, tại Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM, TP.HCM được trao 27 điểm, cơ chế đột phá về phát triển đô thị - giao thông (TOD), sử dụng đất cho BT, cơ chế tài chính ngân sách, tài chính và tự chủ bộ máy tinh chế, gọn nhẹ…

Quốc hội thông qua 27 điểm đột phá, đặc thù để TP.HCM phát triển xứng tầm đầu tàu kinh tế cả nước - Ảnh 1.

Quốc hội thông qua 27 điểm đột phá, đặc thù để TP.HCM phát triển xứng tầm đầu tàu cả nước (Ảnh: Phamnguyen).

Tại Nghị quyết, với vai trò hết sức đặc biệt của mình đối với kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, là đầu tàu của cả nước trong thu NSNN, TP.HCM được đưa ra nhiều cơ chế đặc biệt để thu hút,phát triển kinh tế dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, nhà máy thông minh, tiêu tốn ít lao động… việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lĩnh vực công nghệ cao có vai trò quan trọng.

Đáng chú ý, Nghị quyết nêu rõ về tài chính, ngân sách nhà nước, TP.HCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP.HCM vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách địa phương này được hưởng theo phân cấp.        

Về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM, gồm có lĩnh vực đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên. 

Bên cạnh đó là lĩnh vực đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên..

Đặc biệt, tại Nghị quyết, Quốc hội cho phép thí điểm Nhà nước được tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư của dự án PPP. Theo lý giải của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, TP.HCM là địa bàn được phân loại là đô thị đặc biệt (cùng với Thủ đô Hà Nội) với quy mô và mật độ dân số rất cao. 

Hơn nữa, TP.HCM có nhiều trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% trong tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không đảm bảo khả năng hoàn vốn, nhiều trường hợp, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư rất lớn, cao gấp nhiều lần các địa phương khác. 

"Việc thí điểm cho phép Nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư của dự án sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho TP.HCM, tăng hiệu quả đầu tư dự án, thu hút nhà đầu tư tham gia, giảm mức chi trả của người dân", Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lý giải.

Quốc hội thông qua 27 điểm đột phá, đặc thù để TP.HCM phát triển xứng tầm đầu tàu kinh tế cả nước - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Vũ Hồng Thanh (Ảnh: Nghiem Trung).

Ngoài ra, Nhà nước tham gia các dự án PPP chủ yếu góp vốn trong công tác giải phóng mặt bằng. Nếu trừ phần giải phóng mặt bằng rồi mới tính tỷ lệ góp vốn của Nhà nước sẽ dẫn đến thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Trả lời PV Dân Việt bên hành lang Quốc hội ngày 24/6, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, TP.HCM từ trước đến nay và kể cả sau này vẫn sẽ là động lực tăng trưởng cho vùng và cả nước. Do đó, phải có các cơ chế, chính sách rất đặc biệt, đặc thù cho phát triển.

Ông Thanh cho biết, một trong những cơ chế đặc thù cho TP.HCM lần này là các cơ chế, chính sách đất đai, tài chính phát triển mạnh mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) cần phải được mở rộng hơn nữa đối với thành phố.

Bên cạnh đó, theo ông Thanh cho rằng, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã có cơ chế chính sách mở rộng liên quan thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Do đó, các công trình ngoài các điểm kết nối các công trình giao thông theo đường sắt tốc độ cao, đường Vành đai 3 có thể được áp dụng và cũng giải quyết được bài toán theo Nghị quyết 18 để hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, đồng thời dùng nguồn lực đó để tạo động lực phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Thanh mong muốn thời gian tới, TP.HCM sẽ xử lý được vấn đề xác định quỹ đất để thanh toán cho các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng trước đây, trong đó điều quan trọng là phải xác định được giá trị của quỹ đất này để thanh toán cho nhà đầu tư bảo đảm đúng giá trị, tránh gây thiệt hại cho Nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem