Cơ chế đặc thù cho Khánh Hoà: "Van, khoá chặt chẽ nên không làm tuỳ tiện được"

24/05/2022 20:00 GMT+7
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, chiều 24/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Trình Quốc hội một số cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm tại Khánh Hòa

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là cần thiết vì địa phương này có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cửa ngõ giao thương quốc tế cho cả khu vực này.

Cơ chế đặc thù cho Khánh Hoà: "Van, khóa chặt chẽ nên không làm tùy tiện được đâu" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: Quochoi.vn

Theo Dự thảo Nghị quyết, Khánh Hòa được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù hiện đã được Quốc hội cho phép áp dụng với một số địa phương khác như: hằng năm ngân sách trung ương (NSTW) bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu NSTW từ một số khoản thu phân chia và một số khoản thu NSTW hưởng 100% so với dự toán;

Khánh Hòa được vay không quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết;

Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

Ngoài ra, HĐND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, dự thảo Nghị quyết có thêm 4 cơ chế, chính sách mới so với các địa phương khác gồm: cho phép các huyện, thị xã, thành phố được sử dụng ngân sách cấp mình quản lý để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện chuẩn bị thu hồi đất; tách hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công và phát triển Khu kinh tế Vân Phong.

Thẩm tra nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, với các ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược, đại diện Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện để tránh lợi dụng chính sách. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để có thể bổ sung một số ưu đãi khác thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược (như cơ chế cho phép thực hiện khấu hao nhanh hơn so với quy định hiện hành…).

Cơ chế đặc thù cho Khánh Hoà: "Van, khóa chặt chẽ nên không làm tùy tiện được đâu" - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội 24/5. (Ảnh: QH)

"Van, khóa chặt chẽ nên không làm tùy tiện được đâu"

Liên quan đến việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, tại phiên thảo luận tổ chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh, Dự thảo Nghị quyết đã được thiết kế chặt chẽ để chính sách phát huy hiệu quả.

"Van, khóa cũng nhiều, chặt chẽ nên không làm tùy tiện được đâu" – ông Vương Đình Huệ khẳng định.

Chẳng hạn, cơ chế chính sách về chuẩn bị thu hồi đất, lập đề án như thế nào, ai có thẩm quyền, kết quả đo vẽ phải được sử dụng làm căn cứ pháp lý để sau này tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng…

Muốn giải phóng mặt bằng phải có "dự án mẹ", tức là phải có quyết định chủ trương đầu tư chẳng hạn, chứ không phải giải phóng lúc nào cũng được, tránh hiện tượng thu hồi đất lại không làm gì, hoặc thu 10 phần nhưng làm 1 phần.

"Trong quá trình cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khuyến cáo phải làm công tác truyền thông cho tốt, tránh tình trạng bắt đầu động vào kiểm đếm, đo đạc đất đai thì giá đất lại tăng, sốt", Chủ tịch Quốc hội nói.

Cơ chế đặc thù cho Khánh Hoà: "Van, khóa chặt chẽ nên không làm tùy tiện được đâu" - Ảnh 3.

Phiên họp tổ chiều 24/5. (Ảnh: ĐBND)

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, không phải địa phương nào "xin" cơ chế đặc thù cũng được mà phải có căn cứ cụ thể, chặt chẽ. Trong thời gian tới đây, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ nghiên cứu có các cơ chế, chính sách đặc thù theo vùng chứ không phải là từng địa phương.

"Chủ trương chung của Trung ương là giao cho Chính phủ vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách, pháp luật hiện có để có các chính sách đặc thù cho từng vùng; nếu cần thiết, Quốc hội sẽ nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách đặc thù cho vùng ở mức cao hơn để có tính liên kết vùng, tính lan tỏa vùng cao hơn", ông Huệ nói.

PVKT
Cùng chuyên mục