Quy định “Made in VietNam” có được hoàn thiện trong năm 2021?
Cụ thể, theo đại diện Bộ Công Thương cho biết, bộ đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng hành lang pháp lý xác định hàng hóa "Made in VietNam". Dự kiến trong tháng 1/2021, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thông qua đề nghị xây dựng Nghị định.
Theo đó, việc xây dựng Nghị định Quy định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam được chia làm làm hai giai đoạn: Giai đoạn xây dựng thông tư và Giai đoạn nâng cấp và xây dựng nghị định.
Đối với giai đoạn nâng cấp và xây dựng Nghị định, ngày 15/5/2020, Bộ Công Thương có Tờ trình số 3513 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành văn bản "Sản xuất tại Việt Nam" ở cấp Nghị định.
Đến ngày 24/9/2020, Dự thảo lần 1 của đề nghị xây dựng Nghị định "Sản xuất tại Việt Nam" đã được Bộ Công Thương đăng tải lên trang thông tin pháp luật và Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương để lấy ý kiến. Ngày 30/9/2020, Bộ Công Thương có công văn số 7311 gửi các cơ quan ngoài Bộ (Bộ Tư pháp và Bộ Khoa học và Công nghệ) và các đơn vị trong Bộ (Vụ Pháp chế, Vụ Thị trường trong nước và Tổng cục Quản lý thị trường) đề nghị tham gia ý kiến đối với Dự thảo lần 1 của hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định.
Ngày 11/11/2020, Bộ Công Thương có công văn số 8611 gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định "Sản xuất tại Việt Nam".
Sau đó, vào ngày 8/12/2020, Bộ Tư pháp có Báo cáo thẩm định số 274 đối với đề nghị xây dựng Nghị định "Sản xuất tại Việt Nam" của Bộ Công Thương.
Ngoài ra, giai đoạn tổ chức soạn thảo và lấy ý kiến các Bộ, cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan sẽ diễn ra từ tháng 1 đến tháng 4/2021. Theo đó, dự kiến dự thảo Nghị định sẽ được hoàn thiện trong khoảng tháng 5 đến tháng 6/2021.
Cuối cùng, dự thảo sẽ được gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 7/2021. Hoàn thiện dự thảo Nghị định theo ý kiến thẩm định vào tháng 8/2021 và sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định vào tháng 9/2021.
Mới đây, nói về tình trạng hàng giả mạo xuất xứ, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi, không để khoảng trống pháp lý về xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là made in Việt Nam.
"Đến nay đã gần 1 năm, không biết do không muốn sửa hay không sửa nổi", ông Cẩn nhấn mạnh.