Quyết định của FED không đủ sức tiếp nhiệt cho giá vàng
Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thông báo về quyết định duy trì lãi suất thấp ngày 16/9 theo giờ Mỹ, giá vàng thế giới tăng mạnh vượt ngưỡng 1.979 USD/ounce rồi đảo chiều lao dốc.
Trong phiên giao dịch hôm 17/9, giá vàng thế giới có thời điểm rơi xuống gần 1.930 USD/ounce trước khi tăng nhẹ, dao động quanh ngưỡng 1.950 USD/ounce. Các chuyên gia quốc tế nói với Zing quyết định của FED không đủ nhiệt lượng để tiếp sức nóng cho giá kim loại quý. Giá vàng đang đợi một cú sốc từ cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới và gói kích thích kinh tế tiếp theo.
"Giá vàng vẫn không khởi sắc do đà phục hồi của giá đồng USD. Thông báo của FED không cung cấp đủ thông tin về những động thái tiếp theo. Hầu hết đều là các thông tin chúng ta đã biết", ông Neil Wilson, Trưởng Bộ phận Phân tích thị trường tại Markets.com (London, Anh), trả lời PV.
Không đủ nhiệt lượng
Trong cuộc họp chính sách hôm 16/9, FED tuyên bố quyết định giữ lãi suất gần 0% cho đến năm 2023. Chủ tịch FED Jerome Powell đưa ra cảnh báo về một nền kinh tế phục hồi chậm chạp và cần thêm sự hỗ trợ từ chính phủ.
Theo ông Powell, FED sẽ duy trì mức lãi suất hiện tại cho đến khi thị trường lao động phục hồi theo đúng kỳ vọng và lạm phát tăng lên 2%. Đây là một chặng đường dài khi số người Mỹ mất việc làm từ tháng 2 vẫn lên đến 11,5 triệu người. Lạm phát trung bình trong 12 tháng qua chỉ 1,3%.
Theo dữ liệu mới được Bộ Lao động Mỹ công bố, từ ngày 5/9 đến 12/9, đã có thêm 860.000 người lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, giảm nhẹ so với mức 884.000 người được ghi nhận ở tuần trước đó.
Đây là lần thứ 4 số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần của Mỹ giảm xuống dưới 1 triệu USD kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, con số này vẫn vượt xa 700.000 đơn/tuần vào thời điểm trước dịch bệnh. Ngoài ra, FED sẽ tăng mua trái phiếu chính phủ Mỹ trong vài tháng tới nhằm duy trì hoạt động cho thị trường và ổn định tài chính.
Ông Peter Hug, Trưởng bộ phận Kim loại quý của Kitco, nhận định việc giá vàng dao động ở khoảng 1.925-1.975 USD/ounce trong vòng hai tuần "là một dấu hiệu rất tốt".
"Trên thực tế, việc các nhà đầu tư không mua bán ồ ạt như cách đây một tháng hoặc 6 tuần trước chỉ ra rằng thị trường vàng đang chuẩn bị cho một chặng đường tiếp theo cao hơn", ông Hug giải thích.
"Trong ba cuộc họp trước đây, FED tuyên bố sẽ giữ lãi suất ở gần mức 0 cho đến cuối năm 2021. Nhưng giờ họ đã kéo dài thêm thời gian. Một số nhà phân tích cho rằng FED có thể giữ mức lãi suất hiện tại đến năm 2024", ông phân tích. Theo vị chuyên gia, việc nới lỏng mục tiêu lạm phát là một môi trường tích cực cho các tài sản như hàng hóa, năng lượng và bất động sản.
Chờ đợi gói kích thích kinh tế
Trả lời PV, ông Neil Wilson tại Markets.com cho biết giá vàng chỉ tăng khi lãi suất thực thấp hơn và lạm phát gia tăng. "Liệu lạm phát có xảy ra hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Nhưng tôi nghiêng nhiều hơn về khả năng có xảy ra lạm phát", ông nói thêm.
Kitco News đã thực hiện một cuộc thăm dò với các độc giả và chuyên gia về việc liệu nền kinh tế sẽ trải qua lạm phát hay giảm phát trong vòng 12 đến 18 tháng tới. 2.044 trên tổng số 2.837 độc giả, tương đương 72%, bỏ phiếu cho lạm phát. Các chuyên gia được khảo sát cũng nghiêng nhiều hơn về phía lạm phát. Trong số 26 nhà kinh tế và chuyên gia phân tích, chỉ có 5 người, tức 19%, cho rằng giảm phát sẽ xảy ra vào những năm tới.
Đối với các nhà đầu tư vào kim loại quý, tầm quan trọng của lạm phát nằm ở mối tương quan chặt chẽ với giá vàng. Từ năm 1990 đến nay, lạm phát cao hơn và đà tăng của giá vàng có mối quan hệ tích cực. Theo giới phân tích, lạm phát tăng làm giảm lãi suất thực, điều này giúp thúc đẩy những tài sản an toàn như vàng.
Đầu tháng 8, giá vàng chạm ngưỡng cao kỷ lục 2.075 USD/ounce. Đây cũng là thời điểm lãi suất thực giảm xuống dưới âm 1%, mức thấp nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, theo ông Edward Moya, chuyên gia phân tích cao cấp tại Công ty Giao dịch ngoại hối Oanda (Mỹ), tiêu dùng vẫn sẽ yếu ớt đến khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau làn sóng Covid-19 vào mùa đông sắp tới. Vậy nên, để lạm phát thực sự xảy ra, quá trình phục hồi phải tăng tốc.
"Quá nhiều người tiêu dùng không có việc làm. Họ chẳng có lý do gì để lạc quan trong ngắn hạn. Trên hết, cần sự phục hồi của thị trường lao động và điều đó đòi hỏi những gói kích thích tài chính và tiền tệ lớn hơn nữa", ông Moya nói với PV. Trong khi đó, giới chuyên gia dự đoán nhiều khả năng thỏa thuận về gói kích thích kinh tế mới chỉ đạt được sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 vào tháng 11 tới đây.
"Kịch bản xấu nhất là một tổng thống đảng Dân chủ và Thượng viện của đảng Cộng hòa", ông Eric Winograd, nhà kinh tế học cao cấp tại AB, nhắc tới khả năng cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden giành chiến thắng và đảng Cộng hòa chiếm đa số Thượng viện. "Thượng viện có thể sẽ ngăn chặn hoàn toàn các gói kích thích kinh tế mới nếu Nhà Trắng đổi chủ", ông nhấn mạnh.
"Trong vòng 12 đến 18 tháng tới, tôi cho rằng nền kinh tế có nhiều khả năng ở trong một môi trường giảm phát. Nếu xảy ra lạm phát, cũng phải đợi hai tới ba năm nữa", ông Joe Foster, Giám đốc danh mục đầu tư của VanEck International Investors Gold Fund, nhận định.