Sabeco lợi nhuận tăng 41%: Vì sao sang tay người Thái liên tục khởi sắc?
Động lực tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất của Sabeco đến từ tăng trưởng trong doanh thu. Quý III/2019, Sabeco ghi nhận 9.745 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14%. Đại diện công ty này cho biết, sở dĩ doanh thu tăng trong quý vừa qua là do tăng sản lượng cũng như tăng giá bán sản phẩm.
Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 2.398 tỷ đồng, tăng tới 29%.
Bên cạnh đó, Sabeco cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh về doanh thu tài chính với mức tăng lên đến 45%, đạt 251 tỷ đồng trong quý III, chủ yếu do lãi tiền gửi, tiền cho vay gia tăng.
Cùng với việc doanh thu tăng, việc nhiều khoản chi phí giảm cũng giúp lợi nhuận của Sabeco cải thiện.
Cụ thể, quý III, chi phí tài chính của "ông lớn" ngành bia này suy giảm đáng kể khi ghi nhận mức âm (-) 14,1 tỷ đồng do hoàn nhập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ghi nhận giảm dù lượng giảm không đáng kể.
Lũy kế 9 tháng năm nay, Sabeco đạt lợi nhuận trước thuế 5.256 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả kinh doanh khả quan trong khi nhu cầu đầu tư vào sản xuất không lớn khiến "núi tiền" của Sabeco ngày càng cao. Tính đến hết ngày 30/9/2019, lượng tiền gửi ngân hàng của tổng công ty này lên đến 14.784 tỷ đồng, tăng 23% so với hồi đầu năm.
Về cơ cấu tiền gửi, có 1.048 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn, 2.530 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn không quá 3 tháng, 11.173 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến dưới 1 năm và 33 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn từ 1 năm trở lên.
Kể từ khi về tay người Thái, Sabeco đã liên tục được cải tổ. Ví như việc tăng cường tiết giảm chi phí vận chuyển, trong tháng 2/2019, Sabeco đã tổ chức đấu thầu và chọn ra 5 công ty vận chuyển (so với chỉ 1 công ty trong quá khứ). Mô hình mới này đã được áp dụng kể từ tháng 4/2019.
Bên cạnh đó, Sabeco cũng áp dụng chế độ lương thưởng mới từ quý I/2019. Hệ thống mới dựa trên mẫu 13 công ty trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCGs) nhằm thúc đẩy năng suất và hiệu quả lao động. Hệ thống đã được sử dụng cho công ty mẹ và sẽ dần áp dụng cho các công ty con kể từ quý I/2020.
Đáng chú ý, Sabeco đã "tái tạo" thương hiệu Bia Sài Gòn với mẫu mã mới (lon và chai) cho Lager, Export và Special. Bao bì mới nhấn mạnh biểu tượng Rồng và tạo sự đồng nhất giữa các dòng sản phẩm hơn. Cùng với đó, Sabeco cũng xây dựng đoạn quảng cáo ngắn khá ấn tượng cho mỗi dòng sản phẩm.
Sabeco cũng tăng cường độ phủ tại các thành phố lớn thông qua dự án “Project Street Light”. Được khởi động từ quý IV/2018, "ông lớn" ngành bia đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào các biển đèn kèm thương hiệu của công ty tại các thành phố lớn từ Nam ra Bắc.
Ngoài ra, cũng phải kể đến các chương trình giúp tăng tương tác với thị trường như “Về nhà ăn Tết”, “Hội nghị thương đỉnh Trump – Kim”, “Bật bia Saigon Special, lên lộc tiền tỷ”...
6 tháng cuối năm nay, Sabeco đang tiếp tục thay đổi định vị thương hiệu, trong đó điểm nhấn là dần nâng phân khúc của Saigon Special để cạnh tranh trực tiếp với Tiger. Cùng với đó, đầu tư thay đổi diện mạo và các chương trình huấn luyện cho đội ngũ PG tại các điểm tiêu thụ on-trade.
Đồng thời áp dụng chương trình quản lý nhà kho mới; tăng công suất sản xuất bia (hiện đang sử dụng khoảng 90% tổng năng lực sản xuất); lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho một số các nhà máy; tiếp tục xây dựng Sabeco 4.0.