Sắm tết thời 4.0: Hết cảnh “nhà bao việc”
Thậm chí, những người dùng mạng xã hội còn bị bủa vây bởi hàng trăm hàng nghìn địa chỉ bán hàng online với đủ các mặt hàng mang hương vị ngày Tết từ chiếc bánh chưng, gói quà Tết, chai nước mắm…
Chỉ với những dẫn chứng như vậy cũng đủ thấy, "sắm tết online - sắm tết thời 4.0" đang trở thành một xu hướng tiêu dùng mới do đáp ứng được nhu cầu mua bán nhanh gọn thời điểm cận Tết Nguyên Đán.
Sắm tết thời 4.0: Hết cảnh "nhà bao việc"
Chuẩn bị cho dịp Tết Canh Tý 2020, chị Hồng Bích (Hoài Đức - Hà Nội) năm nay không sắm Tết theo phương thức truyền thống như mọi năm. "Gần Tết, nghe nói có rất nhiều địa chỉ bán hàng online các sản phẩm phục vụ trong dịp Tết như bánh mứt kẹo, đồ trang trí, vật dụng gia đình… nên tôi cũng thử tìm hiểu và đặt hàng xem thế nào. Chưa đầy nửa giây sau khi tìm kiếm từ khóa "đồ trang trí tết" trên Google, chị nhanh chóng nhận lại trên 107 triệu kết quả.
Kể từ khi "sắm Tết online", chị Hồng cho hay mình không còn phải vất vả xe cộ ngoài đường hay chen chân xếp hàng mua đồ bởi mọi thứ đều sẵn sàng chỉ sau 1 cú click và sau đó nhờ các ứng dụng giao hàng chuyển hàng về tận cửa, chẳng cần vất vả "tay xách nách mang" như những năm trước.
Phong trào "sắm Tết 4.0" không chỉ ở các thành phố lớn mà còn tràn về các tỉnh thành, thôn xã vùng nông thôn. Câu chuyện sắm Tết nhà ông Lê Đức Thực (Thái Bình) là một ví dụ điển hình.
Ông Thực cho biết, do tính chất mùa vụ cuối năm nên công việc kinh doanh của 2 vợ chồng ông bà rất bận rộn. Năm nào cũng vậy, muốn sắm Tết cũng phải đợi đến ngày cuối cùng của năm âm lịch. Vừa dọn nhà, vừa sắm đồ phục vụ mấy ngày Tết nên gần như cả ngày hôm đó, ông bà tất bật từ sáng sớm và không có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng mấy năm nay, nhờ mua sắm online, mọi thứ đối với gia đình ông Thực đã thư thái hơn rất nhiều. Năm nay 30 Tết, ông bà có nhiều thời gian hơn trang trí nhà cửa cùng con cháu.
"Từ hồi con gái mua cho chiếc điện thoại kết nối được Internet, gia đình tôi thường xuyên mua sắm qua mạng nhưng chủ yếu là đồ điện tử như máy giặt, quạt điện, nồi cơm…Đến Tết thì nhu cầu sắm nhiều hơn từ cái bánh, hộp quà, thùng bia rồi quần áo, giày dép, đồ trang trí nhà cửa cho đến bao lì xì, thậm chí bánh chưng. Nông thôn nhưng cứ có điện thoại "xịn" là cũng có thể ngồi 1 chỗ để mua đồ. Vừa nhàn vừa không phải mặc cả giá như đi chợ truyền thống", ông Thực hồ hởi khoe.
Chia sẻ về hoạt động bán hàng online của mình, bà chủ cửa hàng cung cấp bánh chưng, cây giò – những sản phẩm mang đậm hương vị ngày Tết tại Hà Nội chia sẻ, nhu cầu đặt mua bánh chưng dịp Tết ngày càng tăng cao qua từng năm. So với vài năm trước, nhu cầu tăng gấp đôi, gấp ba nhưng chủ yếu là đặt hàng qua qua facebook, zalo… số lượng người đặt bánh trực tiếp thì rất ít, chủ yếu là những người tiện đường đi làm, đưa đón con đi học…
Theo bà chủ shop này, do nhịp sống vội vã khiến chiếc bánh chưng hay cây giò cũng vì thế mà linh động hơn bằng việc được đặt hoặc mua bánh có sẵn, vừa đa dạng chủng loại, hương vị mà giá cả công khai, phải chăng. "Sắm tết 4.0 là thấy hết cảnh "nhà bao việc"", bà chủ của hàng hài hước nói.
Sự khác biệt giữa truyền thống và 4.0
Có lẽ trong những mảng màu của Tết, bên cạnh "bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ" thì ký ức về chợ tết dường như là kỷ niệm khó quên nhất. Xưa, để chuẩn bị cho Tết, ông bà ta phải tích góp, dành dụm cả năm trời. Phiên chợ Tết thường diễn ra từ 25 đến 30 tháng Chạp, nhưng bắt đầu 23 cúng ông Công ông Táo, các bà, các mẹ đã lo dọn dẹp ban thờ và mua sắm vật dụng, thực phẩm. Còn với đám trẻ con, niềm vui lớn nhất vào những ngày giáp Tết là sẽ được theo chân bố đi chợ hoa, mang cành đào, cây quất về trưng Tết.
Cuộc sống ngày càng thay đổi và những cái Tết cũng không giống nhau qua mỗi thời. Ngày nay, nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, việc sắm Tết vì thế cũng trở nên dễ dàng và không còn vất vả như xưa nữa!
Thế nhưng, bên cạnh những "cái Tết online", giữa dòng chảy hối hả, xô bồ của cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình vẫn lưu giữ hương vị Tết cổ truyền qua việc đi chợ Tết, gói bánh chưng, làm mứt tế, bày ô mai… để con cháu được trải nghiệm.
Một độc giả từng nói, nếu không có cái sự tất bật của những phiên chợ Tết truyền thống thì còn gì gọi là Tết.
Cũng có quan điểm cho rằng, trong thời đại nay, công nghệ đã tạo ra nhiều thay đổi về trải nghiệm Tết, tạo ra một "Tết 4.0" khác xa so với những cái Tết ngày xưa. Rằng 4.0 đang làm cho Tết "nhạt đi". Tuy nhiên, Tết có nhạt đi hay không vẫn phụ thuộc vào con người là chính. Bởi xét cho cùng, công nghệ chỉ là thứ bổ trợ hiệu quả nhất, giúp con người dành thời gian nhiều hơn bên nhau, tôn vinh những nét đẹp truyền thống Tết.