Sàn gỗ từ cây dừa đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo Lâm nghiệp
Vượt qua nhiều dự án tham dự cuộc thi "Khởi nghiệp sáng tạo Lâm nghiệp" trong học sinh, sinh viên năm 2020, dự án “Ván sàn gỗ dừa CCF” của nhóm sinh viên Nguyễn Phúc Vinh, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Thị Lý và sinh viên Phạm Cao Ánh K62 đã xuất sắc giành giải nhất trong cuộc tranh tài vào sáng ngày 15/10.
Điểm khác biệt mang tính đột phá của dự sán ván sàn CCF chinh phục tất cả các thành viên Ban Giám khảo vì sản phẩm sử dụng nguyên liệu phi truyền thống, nguyên liệu là phần phế liệu của gỗ dừa hiện nay đang bị bỏ đi. Dự án sử dụng công nghệ hoàn toàn mới tại Việt Nam - Công nghệ biến tính gỗ bằng phương pháp nhiệt (Biến tính nhiệt).
Trên thực tế hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp chế biến gỗ đều sử dụng nguồn nguyên liệu là các loại gỗ rừng trồng, có các tính chất vật lý và cơ học ổn định để sản xuất các sản phẩm đồ mộc dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Sản phẩm nghiên cứu của nhóm sinh viên là đa công năng do ưu điểm cây dừa là cây một lá mầm nên gỗ sẽ ít bị cong vênh, nứt nẻ, khác hoàn toàn so với các loại gỗ tự nhiên khác; Có khả năng chống hút nước tốt vì sử dụng công nghệ biến tính nhiệt và dùng keo có khả năng kháng nước, vì vậy nó có thể dùng được cả ở ngoài trời.
Ngoài ra, "Ván sàn CCF" còn có khả năng chống vi sinh vật tốt vì trong quá trình biến tính nhiệt các thành phần thức ăn cho vi sinh vật được loại bỏ gần như triệt để. An toàn cho người sử dụng vì sử dụng keo không độc hại. Đồng thời, có màu sắc tự nhiên của gỗ Dừa mang lại vẻ gần gũi và ấm cúng trong không gian văn hóa Việt.
Đặc biệt, dự án “Công ty sản xuất ván sàn gỗ dừa CCF” của nhóm sinh viên nếu đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong lĩnh vực kinh doanh, xây dựng. Từ đó đem đến cho thị trường một sản phẩm mới, thúc đẩy tăng trường kinh tế tại địa phương thông qua việc tạo công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho người lao động tại địa phương và người trồng Dừa, giúp giảm tỷ lệ đói nghèo do thất nghiệp,…
Được biết, tham dự vòng chung kết có 05 dự án. Tại cuộc thi tranh tài vòng cuối cùng này, các nhóm dự án đã trình bày phương án kinh doanh và giải quyết các tình huống kinh doanh thực tế do Ban tổ chức đưa ra.
Ban Tổ chức đã trao hai giải nhì cuộc thi cho dự án “Sản phẩm thương mại từ nấm Đầu khỉ chất lượng cao trồng từ giá thể Dó bầu” của nhóm sinh viên Phượng Loan, Nguyễn Đức Nam, Khổng Đỗ Thành Nhật, Lê Thị Trang và dự án “Sản xuất thương mại xe máy chữa cháy rừng” của nhóm sinh viên Trương Thị Hà, Trần Quỳnh Trang, Hoàng Mí Nồ.
Đồng giải Ba có 2 dự án là “Đồ gỗ phong thuỷ từ gỗ Quế” của nhóm sinh viên Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Hoài Thanh, Cao Văn Quang, Nguyễn Thị Bích Liên và dự án “Thiết bị theo dõi sức khỏe thông minh” của nhóm học sinh trường THPT Lâm Nghiệp gồm các học sinh Vũ Đại Dương, Đỗ Huy Hưng và Trần Hà Vy.
Ngoài ra, Ban tổ chức trao giải “Bình chọn Online” giải nhất cho dự án “Sản xuất máy uốn ống” của nhóm sinh viên Hoàng Nhật Bảo Linh, Trần Minh Hiếu, Mai Thị Thu Hằng và dự án “Hành trình xanh Forest” của nhóm sinh viên Vũ Thị Thu Phượng, Lê Thị Mỹ Linh, Ngô Thùy Trang, Nguyễn Thị Xuyến.
Phát biểu tại cuộc thi GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp cho biết, trường ĐH Lâm Nghiệp là trường đại học định hướng nghiên cứu.
Do đó, hoạt động nghiên cứu của sinh viên và hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên luôn được quan tâm.
Đặc biệt, để giúp các em sinh viên, học sinh THPT phát triển ý tưởng sáng tạo định hướng ngành nghề, từng bước phát triển kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm.
"Cuộc thi không chỉ là sân chơi cho sinh viên, học sinh thử sức và thể hiện năng lực bản thân trong khởi sự kinh doanh mà còn là cơ hội giúp các em tiếp cận với doanh nghiệp, doanh nhân để giao lưu, học hỏi chia sẻ kinh nhiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác" - GS Chứ chia sẻ.
Theo GS Chứ, “Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo Lâm nghiệp”, trong nhiều năm qua, đã có rất nhiều ý tưởng hay, sáng tạo được áp dụng vào thực tế, nhiều doanh nhân trẻ hiện nay đã trưởng thành từ chính sân chơi này.