Nguồn cung gạo trong nước đang cạn dần, trong khi nhu cầu vẫn cao
Thị trường xuất khẩu tích cực, giá gạo neo cao
Giá lúa gạo hôm nay 21/5 tại Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng với các mặt hàng gạo và lúa. Theo đó, tại kho An Giang, giá lúa nếp An Giang đang được thương lái thu mua ở mức 8.200 – 8.400 đồng/kg; lúa OM 5451 6.400 – 6.500 đồng/kg; Nàng Hoa 8 ở mức 6.600 -6.800 đồng/kg; giá lúa Đài thơm 8 đang được thương lái thu mua ở mức 6.800 – 7.000 đồng/kg; OM 18 dao động quanh mốc 6.600 – 6.800 đồng; lúa IR 504 đang được thương lái thu mua ở mức 6.200 – 6.400 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 8.000 đồng/kg; Nếp khô Long An 8.600 – 8.800 đồng/kg, và lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm duy trì ổn định. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu đứng ở mức 9.800 đồng/kg; gạo thành phẩm 11.100 đồng/kg.
Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm IR 504 ổn định ở mức 9.400 đồng/kg, cám khô dao động quanh mốc 7.450 - 7.550 đồng/kg.
Tại chợ lẻ, giá gạo duy trì ổn định sau phiên điều chỉnh. Theo đó, gạo thường còn 11.000 – 12.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 14.000 – 15.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 15.000 đồng/kg; nếp ruột 16.000 – 18.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 22.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.500 đồng/kg; Nàng Hoa 18.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 22.000 đồng/kg; Cám 7.500 – 8.000 đồng/kg; Gạo thơm Thái hạt dài duy trì 18.000 – 19.000 đồng/kg và Hương Lài 19.000 đồng/kg.
Trong tuần qua, giá lúa gạo liên tục điều chỉnh tăng với mức tăng 50 đồng/kg với gạo nguyên liệu, 50 – 200 đồng/kg với lúa. Tuy nhiên, gạo thành phẩm có diễn biến trái chiều khi điều chỉnh giảm 200 đồng/kg trong tuần qua.
Trên thị trường xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 488 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 468 USD/tấn; gạo Jasmine ở mức 553-557 USD/tấn.
Trong tuần qua, giá giao hàng gạo các chủng loại của Việt Nam đi Philippines giảm so với tuần trước, trong khi giá giao đi Trung Quốc và châu Phi tăng cao. Từ đầu năm đến giữa tháng 5/2023 lượng gạo giao đi Trung Quốc và Philippines bật tăng mạnh so với cùng kỳ.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4, xuất khẩu gạo đã đạt hơn 1 triệu tấn, trị giá 545,85 triệu USD, vượt qua kỷ lục cũ là 961.608 tấn, trị giá 509 triệu USD đạt được vào tháng trước, tăng 87,9% về lượng và tăng gần gấp đôi về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 2,9 triệu tấn, với kim ngạch thu về hơn 1,5 tỷ USD, tăng 40,7% về lượng và tăng 51,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là con số cao nhất ghi nhận được của ngành gạo trong 4 tháng đầu năm kể từ trước đến nay.
Trong 4 tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức bình quân 527 USD/tấn.
Theo các doanh nghiệp, xuất khẩu gạo không chỉ tăng về số lượng, giá gạo của Việt Nam đang ở mức cao trong những năm qua và cơ cấu loại gạo xuất khẩu cũng chuyển biến tích cực.
Sản phẩm gạo thơm đạt 530 - 540 USD/tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Về cơ cấu chủng loại, hiện nay gạo trắng phổ thông chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên tỷ lệ gạo thơm, gạo nếp, cũng như gạo tăng cường chất vi lượng tăng nhanh. Điển hình như gạo thơm xuất khẩu chiếm hơn 25% trữ lượng gạo.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá gạo Thái Lan giữ ở gần mức cao của 4 tháng trong tuần này nhờ sức mua trong nước, trong khi các nhà giao dịch ở các “vựa lúa” châu Á bày tỏ lo ngại về khả năng sản lượng bị gạo của Thái bị ảnh hưởng do sự xuất hiện của hiện tượng thời tiết El Nino trong năm nay.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên khoảng 500 USD/tấn so với mức 498-500 USD/tấn trong tuần trước, mức cao nhất kể từ tháng 1/2023. Giá gạo Thái tăng lên là do nhu cầu trong nước nhiều hơn và sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian, trong bối cảnh đồng baht mạnh, và do vụ thu hoạch mới cần một thời gian để thu hoạch, đồng thời sản lượng từ các quốc gia khác có thể ít hơn do rủi ro liên quan đến khí hậu.
Khả năng xảy ra hiện tượng thời tiết El Nino đã gây ra những lo ngại về sản xuất cây trồng trên toàn cầu, khi nhiệt độ đại dương ở Trung và Đông Thái Bình Dương tăng cao hơn mức bình thường.
Các nhà giao dịch tại Việt Nam cũng cảnh báo về những tác động bất lợi đối với sản xuất gạo toàn cầu trong năm nay.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức cao như đã nêu trên do nguồn cung trong nước đang cạn dần, trong khi nhu cầu vẫn cao. Nhà giao dịch này cho hay sản lượng từ các nước sản xuất gạo khác, bao gồm Myanmar và Pakistan, dự báo cũng sẽ thấp hơn trong năm nay.
Trong khi đó, nông dân một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu gieo giống vụ Hè Thu.
Hiện tượng thời tiết El Nino cũng có thể ảnh hưởng đến tình hình thời tiết tại nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 374 - 378 USD/tấn, giảm so với mức 376 - 380 USD/tấn của tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022, do nhu cầu yếu và do đồng rupee giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng. Đồng rupee mất giá cho phép các thương nhân hạ giá xuất khẩu, nhưng nhu cầu vẫn yếu.
Trong khi đó tại Banglades, sản lượng gạo nước này không bị ảnh hưởng bởi cơn bão đã quét qua Myanmar và Bangladesh, hỗ trợ phần nào nước này trong cuộc chiến ứng phó với giá ngũ cốc cao.
Sản lượng gạo toàn cầu sẽ phục hồi...
Trong báo cáo tháng 5, USDA dự báo sản lượng gạo toàn cầu giảm 5,4 triệu tấn xuống còn 508,4 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023. Tuy nhiên, sản lượng dự kiến phục hồi mạnh và tăng 12 triệu tấn lên mức kỷ lục mới là 521 triệu tấn trong niên vụ 2023-2024.
Mức tăng lớn nhất được ghi nhận tại Pakistan, nơi sản xuất gạo dự kiến sẽ phục hồi sau khi lũ lụt làm thiệt hại mùa màng trong niên vụ 2022-2023. Theo đó, sản lượng của Pakistan sẽ tăng từ 5,5 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023 lên 9 triệu tấn trong vụ 2023-2024.
Ngoài ra, sản lượng của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng 3 triệu tấn lên 149 triệu tấn sau khi trải qua đợt hạn hán ở các tỉnh phía Nam trong năm trước.
Ấn Độ cũng được dự báo sẽ có một vụ mùa kỷ lục trong năm thứ 8 liên tiếp với sản lượng vào khoảng 133 triệu tấn. Vụ mùa lớn hơn cũng được dự báo ở các nước sản xuất hàng đầu khác như Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Bangladesh.
USDA dự báo tiêu thụ gạo thế giới tăng 500.000 tấn lên mức kỷ lục 520 triệu tấn vào niên vụ 2023-2024. Trong đó, phần lớn tiêu thụ được sử dụng làm thực phẩm. Ngoài ra, xu hướng sử dụng gạo tấm làm thức ăn chăn nuôi đã gia tăng trong những năm gần đây do giá thức ăn chăn nuôi toàn cầu tăng cao.
Dự trữ gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 theo dự báo của USDA sẽ giảm 2,5 triệu tấn xuống 167 triệu tấn. Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 81% dự trữ gạo toàn cầu.
Tồn kho của Trung Quốc dự kiến sẽ không thay đổi và chiếm phần lớn tồn kho toàn cầu. Trong khi tồn kho ở Ấn Độ được dự báo sẽ giảm do nhu cầu sử dụng trong nước tăng mạnh và xuất khẩu ổn định. Dự trữ cuối vụ của Mỹ được dự báo sẽ tăng trở lại với một vụ mùa lớn hơn.
Nhìn chung, tồn kho tại các nước xuất khẩu gạo lớn các quốc gia được dự báo sẽ giảm trong năm thứ 3 liên tiếp.
Về xuất khẩu, xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2024 được dự báo không đổi ở mức 22,5 triệu tấn và Ấn Độ sẽ tiếp tục là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo đạt 6,7 triệu tấn trong năm 2024, giảm 400.000 tấn so với năm 2023, chủ yếu do nhu cầu giảm mạnh từ Indonesia. Trong khi Philippines và Trung Quốc, chiếm tổng cộng 60% xuất khẩu của Việt Nam, dự kiến sẽ tiếp tục mua một lượng lớn vào năm tới. Ngoài ra, nhu cầu tại khu vực châu Phi cận Saharan cũng đang tăng lên.
Xuất khẩu gạo của Thái Lan được dự báo ở mức 8 triệu tấn trong năm tới, giảm 500.000 tấn so với năm 2023. Chủ yếu do nhu cầu thấp hơn dự kiến từ Đông Nam Á, đặc biệt là từ Indonesia. Tuy nhiên, nguồn cung lớn có thể sẽ giữ cho giá xuất khẩu của Thái Lan tiếp tục cạnh tranh.
Bộ Công Thương đặt kỳ vọng xuất khẩu gạo năm 2023 của ta có thể đạt khoảng 7 triệu tấn với kim ngạch 4 tỷ USD. Dù khối lượng thấp hơn năm 2022 (7,13 triệu tấn), song kim ngạch cao hơn hẳn (3,45 tỷ USD).