Giá lúa gạo neo cao, doanh nghiệp gom hàng xuất khẩu, thị trường sôi động

15/05/2023 16:10 GMT+7
Theo Tổng cục Hải quan, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 2,89 triệu tấn gạo với tổng trị giá đạt 1,52 tỷ USD, tăng 41% về lượng và tăng 52% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng tháng 4, Việt Nam đã xuất khẩu được 1,04 triệu tấn gạo, thu về 545,85 triệu USD.

Thị trường lúa gạo sôi động, giá neo cao...

Giá lúa gạo hôm nay 15/5 tại Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định. Hiện các doanh nghiệp đang gom hàng nhiều, thị trường lúa gạo sôi động, giá neo cao.

Tại kho An Giang, giá lúa Đài thơm 8 đang được thương lái thu mua ở mức 6.800 – 7.000 đồng/kg; OM 18 dao động quanh mốc 6.600 – 6.800 đồng; lúa IR 504 đang được thương lái thu mua ở mức 6.200 – 6.400 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 6.300 - 6.400 đồng/kg; Nàng hoa 9 6.600 – 6.750 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 8.000 đồng/kg; Nếp khô Long An 8.600 – 8.800 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.000 – 8.200 đồng/kg và lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu duy trì ở mức 9.700 đồng/kg; giá gạo thành phẩm đứng ở mức 11.300 đồng/kg.

Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm duy trì ổn định. Theo đó, hiện giá tấm IR 504 ở mức 9.400 đồng/kg. Trong khi đó, cám khô dao động quanh mốc 7.350 - 7.450 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo duy trì ổn định. Theo đó, gạo thường còn 11.000 – 12.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 14.000 – 15.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 15.000 đồng/kg; nếp ruột 16.000 – 18.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 22.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.500 đồng/kg; Nàng Hoa 18.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 22.000 đồng/kg; Cám 7.500 – 8.000 đồng/kg; Gạo thơm Thái hạt dài duy trì 18.000 – 19.000 đồng/kg và Hương Lài 19.000 đồng/kg.

Giá lúa gạo neo cao, doanh nghiệp gom hàng xuất khẩu, thị trường sôi động - Ảnh 1.

Trên thị trường xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đứng ở mức 488 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 468 USD/tấn; gạo Jasmine ở mức 553-557 USD/tấn.

Theo các doanh nghiệp, thị trường lúa gạo sôi động, giá neo cao nhờ nhu cầu cao từ các thị trường thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc và thị trường tiềm năng như Chile, Singapore. Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gạo sang EU ghi nhận tăng trưởng rất tốt ở nhiều thị trường nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá trị gia tăng cao.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt gần 2,9 triệu tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng 41% về lượng và tăng 52% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng tháng 3 và 4, xuất khẩu gạo thu về gần 1,1 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 526 USD/tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu gạo sang các thị trường châu Phi ghi nhận mức tăng trưởng âm, thì xuất khẩu gạo sang các thị trường châu Á lại tăng trưởng từ 3 đến 4 con số. Khách hàng ở châu Á gồm: Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia,... ồ ạt mua gạo Việt Nam với số lượng lớn. Trong đó, hiện Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam xuất khẩu. Tính đến hết tháng 4/2023, giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 647,5 triệu USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 42,4% tổng giá trị xuất khẩu.

Trung Quốc vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch đạt 292,5 triệu USD, tăng 88,2% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, Indonesia ồ ạt mua gạo Việt Nam trong những tháng vừa qua. Chỉ trong 4 tháng năm nay, xuất khẩu gạo sang thị trường này thu về 149 triệu USD, tăng đột biến 2.514% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong năm 2022, xuất khẩu gạo sang Indonesia chỉ đạt 58 triệu USD. Đây là con số rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo 3,45 tỷ USD năm 2022 của nước ta. Song, với kim ngạch tăng 2.514% trong 4 tháng đầu năm nay, Indonesia lần đầu tiên trong lịch sử vươn lên trở thành khách hàng lớn thứ ba của gạo Việt, chỉ đứng sau Philippines và Trung Quốc.

Thông tin từ Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tháng 4/2023, giá xuất khẩu gạo từ Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong hai năm. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan và Ấn Độ đều có xu hướng tăng đến giữa tháng, sau đó quay đầu giảm về cuối tháng.

Theo đó, tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm được chào bán ở mức 495 - 500 USD/tấn (mức cao nhất kể từ tháng 4/2021), tăng 50 USD/tấn so với một tháng trước. Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm ở mức 382 - 388 USD/tấn, giảm so với mức 385-392 USD/tấn vào giữa tháng 4/2023. Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm ở mức 480 USD/tấn, giảm 10 USD so với mức 485-490 USD/tấn vào trung tuần tháng 4/2023, nhưng lại tăng 17 USD/tấn so với trung bình tháng 3.

Theo doanh nghiệp xuất khẩu gạo, khó khăn hiện nay không phải là thị trường xuất khẩu, mà là vùng trồng gạo chất lượng để có nguồn cung đủ lớn xuất khẩu sang các thị trường cao cấp. Đặc biệt, khách mua gạo từ châu Âu, Mỹ,... đều có nhu cầu lớn.

Giá lúa gạo neo cao, doanh nghiệp gom hàng xuất khẩu, thị trường sôi động - Ảnh 2.

Theo cảnh báo của FAO, hiện tượng El Nino có thể gây tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở Australia, Indonesia và một số khu vực ở Nam Á, dự kiến sẽ có tác động tiêu cực đến sản xuất ngô, đậu tương và gạo của Ấn Độ. Tuy nhiên, tác động của El Nino rất khó dự đoán.

Tại Thái Lan, trong quý I/2023, xuất khẩu gạo đạt 2,06 triệu tấn, trị giá 1,12 tỷ USD, tăng 8,48% về lượng và tăng 29,26% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, xuất khẩu chủ yếu sang Iraq (chiếm 16,38%), Indonesia (chiếm 13,08%), Mỹ (chiếm 8,62%), Nam Phi (chiếm 8,24%) và Senegal (chiếm 5,86%). Bộ Thương mại Thái Lan dự đoán xuất khẩu gạo năm 2023 đạt 7,5-8 triệu tấn.

Tại Việt Nam, như đã nêu trên trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt gần 2,9 triệu tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng 41% về lượng và 52% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. 

Tại Mỹ, USDA cho biết tính đến ngày 30/4/2023, nông dân Mỹ đã gieo trồng 63% diện tích lúa vụ 2023, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và tăng 14% so với mức trung bình 5 năm, trong đó bang Louisiana và Texas đã gieo trồng đạt 89% và 83%. Hiện có 39% diện tích lúa của Mỹ đã trổ đòng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 10% so với mức trung bình 5 năm.

Tại Brazil, IRGA cho biết, đến tuần đầu tháng 5/2023, việc thu hoạch lúa ở các vùng sản xuất chính ở Brazil đang ở giai đoạn cuối vụ, bang Rio Grande do Sul đã thu hoạch đạt 93,29%, bang Campanha (đạt 97,39%), vùng Outer Coastal Plain (đạt 96,47%), Vùng Internal Coastal Plain (đạt 94,61%), Miền Nam (94%), Fronteira Oeste (đạt 91,46%), và Miền Trung (đạt 87,92%). IRGA cũng ước tính sản lượng gạo của Brazil niên vụ 2022/23 đạt xấp xỉ 7,1 triệu tấn.

Tại Nga, nông dân Crimea ước tính sản lượng thu hoạch lúa năm 2023 sẽ đạt 20 nghìn tấn, gấp ba lần so với năm 2022.

Tại Indonesia, BPS cho biết, giá thóc trong tháng 4/2023 tăng 2,4% so với tháng 3/2023 và tăng 23,62% so với tháng 4/2022, trong khi giá gạo chưa xay xát tăng 0,9% so với tháng 3/2023 và tăng 20,32% so với tháng 4/2022. Trong khi đó, giá gạo thành phẩm bán buôn tại nhà máy giảm 0,14% so với tháng trước nhưng tăng 15,66% so với tháng 4/2022. Giá gạo bán lẻ của Indonesia tăng 0,48% so với tháng 3/2023 và tăng 11,34% so với tháng 4/2022.

Tại Philippines, dự kiến sẽ tự cung tự cấp hoàn toàn lúa gạo vào năm 2027, kế hoạch được đưa ra sau khi chính phủ trước đó không đạt được mục tiêu do sai lầm chính sách và tác động của thời tiết khắc nghiệt làm giảm sản lượng lúa gạo ở nước này. Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, Philippines hiện nhập khẩu hơn 3 triệu tấn gạo mỗi năm, chủ yếu từ Việt Nam, để tăng nguồn cung trong nước và giữ giá ổn định. Kế hoạch dự báo nguồn cung gạo trong nước hàng năm ổn định ở mức 24,99-26,86 triệu tấn và nhằm mục đích hạn chế mức tăng giá gạo hàng năm dưới 1%, tăng thu nhập của nông dân thêm 54% và duy trì đủ dự trữ.

Tại Nigeria, Chính phủ Nigeria đã tuyên bố xem xét lại Thuế nhập khẩu (IAT) điều chỉnh phù hợp với việc thực hiện Biểu thuế đối ngoại chung (CET) của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cho năm 2022/26. Do đó, theo văn bản sửa đổi năm 2023, thuế nhập khẩu đối với gạo đóng gói trên 5 kg hoặc gạo rời và đóng gói từ 5 kg trở xuống đã tăng từ 50% lên 60%.

Theo các chuyên gia, những tháng cuối năm, giá lương thực sẽ tiếp tục có những biến động do tình hình biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang… khiến các nước tăng cường dự trữ lương thực.

Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi tăng. Tại các nước châu Âu, do xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên, đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.

Nhìn chung về thị trường xuất khẩu gạo năm nay về phía nguồn cung thấp hơn nhu cầu nên đầu ra thuận lợi, vấn đề của ngành gạo năm nay là khâu sản xuất và liên kết sản xuất sao cho có các chủng loại gạo phù hợp với nhu cầu thị trường...

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục