Sau "biến cố" Vimedimex (VMD) báo lãi 9 tháng lao dốc 40% xuống 17 tỷ đồng

04/11/2022 14:57 GMT+7
Trong quý III/2022, Vimedimex (VMD) báo lãi 9,5 tỷ đồng trong quý III/2022, tăng nhẹ gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty CP Y Dược phẩm Vimedimex (HoSE: VMD) đã công bố tình hình kinh doanh hợp nhất quý III/2022 với doanh thu thuần đạt 1.772 tỷ đồng, giảm 18,5% so với cùng kỳ; giá vốn bán hàng giảm 17,6% nên nên lợi nhuận gộp còn 127,6 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm tới 89,4% xuống 6,6 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính ở mức 8,5 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 40,3% xuống 98,2 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 43,7% xuống hơn 15 tỷ đồng.

Kết quả, Công ty báo lãi 9,5 tỷ đồng trong quý III/2022, tăng nhẹ gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vimedimex (VMD) lãi 9 tháng lao dốc 40% xuống 17 tỷ đồng - Ảnh 1.

BCTC của VMD

Lũy kế 9 tháng, Vimedimex ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.175 tỷ giảm 44%; lãi trước thuế đạt 24 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt hơn 17 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước đó.

Năm 2022, VMD đặt mục tiêu  tổng doanh thu đạt 8.800 tỷ đồng và lãi trước thuế là 23 tỷ đồng, tương ứng giảm 29% và 23% so với thực hiện năm 2021. Sau 9 tháng, công ty đã vượt mục tiêu đề ra.

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của giảm 34% xuống 3.650 tỷ đồng; tài sản ngắn hạn chiếm phần lớn với 3.407 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền tăng 52% lên hơn 226 tỷ đồng, trong đó tiền gửi ngân hàng gần 74 tỷ đồng, các khoản tương đương tiền hơn 147 tỷ đồng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 36,5% lên 42,5 tỷ đồng, đây là các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 4-12 tháng được gửi tại các ngân hàng với lãi suất từ 3,8% đến 5,1%; phải thu của khách hàng ngắn hạn giảm 31,7% xuống 1.428 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 47,6% xuống 1.336 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 9, VMD có 115 tỷ đồng nợ xấu, trong đó Công ty TNHH Dược phẩm Phát Như Quân nợ 30,7 tỷ đồng; Công ty CP Thương mại và Dược phẩm Việt Nam nợ 18,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Ngọc Linh Trang 16,8 tỷ đồng; Công ty CP DƯợc phẩm Vinpharco nợ 13,6 tỷ đồng...

Về nguồn vốn, nợ phải trả giảm 36,7% xuống 3.213 tỷ đồng; đã trả toàn bộ 612,4 tỷ đồng nợ ngắn hạn; vay nợ dài hạn tăng 14,7% lên 20,8 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là tiền đặt cọc thuê văn phòng với gần 14 tỷ đồng; còn lại 6,8 tỷ đồng là nhận ký quỹ, ký cược khác...

Vốn sử hữu tính đến cuối tháng 9 của VMD là 154,4 tỷ đồng, trong đó Công ty CP Dược phẩm Vimedimex 2 góp 700 tỷ đồng, Tổng Công ty CP Dược Việt Nam góp 15,8 tỷ đồng, ông Trần Kiên Cường góp 11 tỷ đồng; bà Trần Thị Đoan Trang góp hơn 8 tỷ đồng, còn lại là các cổ đông khác...

Liên quan đến Vimedimex, mới đây, ông Trần Đình Huynh, Thành viên Hội đồng quản trị và bà Phạm Thị Thu Thảo, Thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017- 2022 đều nộp đơn xin từ nhiệm.

Được biết ông Trần Đình Huynh được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị từ tháng 11/2021 thay cho bà Nguyễn Thị Loan.

Trước đó không lâu, bà Nguyễn Thị Loan và 7 bị can khác bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản xảy ra trên địa bàn huyện Đông Anh. Theo tài liệu điều tra, hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.

Đến tháng 6/2022, Lê Xuân Tùng, con trai bà Nguyễn Thị Loan được bổ nhiệm là Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp, nhiệm kỳ 2022 – 2027, còn ông Trần Đình Huynh được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị.

Trên thị trường chứng khoán, tại 13h45p phiên 4/11, cổ phiếu VMD giảm 1,02% xuống 19.450 đồng/cp.


An Vũ
Cùng chuyên mục