SHB lãi trước thuế 9 tháng đạt 9.048 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch năm

30/10/2024 16:47 GMT+7
Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB, HoSE: SHB) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 với lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 9.048 tỷ đồng, thực hiện 80% kế hoạch năm.

Tính đến 30/9/2024, tổng tài sản ở mức 688.387 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cuối năm 2023. Dư nợ cấp tín dụng đạt 495.420 tỷ đồng. Các chỉ số hiệu quả kinh doanh của SHB duy trì trong nhóm đầu ngành với ROE đạt 22,8%.

Từ đầu năm, SHB triển khai nhiều chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi tới khách hàng cá nhân với quy mô 43.000 tỷ đồng với lãi suất từ 5,79%/năm và khách hàng doanh nghiệp với quy mô 16.000 tỷ đồng, lãi suất từ 4,8%/năm.

Bên cạnh đó, Ngân hàng cho biết, SHB chủ động cấp các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất để khách hàng cá nhân, doanh nghiệp hồi phục sản xuất, ổn định sau thiên tai. Đơn cử, SHB công bố gói vay 2.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ 4,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, cùng với miễn/giảm bình quân 50% lãi phải trả trong 4 tháng cuối năm 2024.

Các chương trình tín dụng đều được thiết kế phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề, nhóm khách hàng, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân thuận lợi trong tiếp cận tín dụng, ổn định đời sống, thúc đẩy hồi phục và phát triển hoạt động kinh doanh.

SHB lãi trước thuế 9 tháng đạt 9.048 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch năm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa (nguồn: SHB).

Hệ số CAR trên 11,8%, cao hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an toàn và duy trì sự ổn định bền vững cho hoạt động của ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng tiếp tục kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ, thu hồi nợ quá hạn, đồng hành cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn, từng bước hồi phục.

Trong chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện 2024-2028, SHB liên tục thúc đẩy đổi mới – sáng tạo, ứng dụng công nghệ, áp dụng các sáng kiến mới trong nội bộ và mang tới khách hàng các sản phẩm dịch vụ, giải pháp tiện lợi, hiện đại. Đây là một trong những yếu tố giúp chỉ số CIR tối ưu ở mức 24,68% - thấp nhất toàn ngành nhờ thúc đẩy số hóa, ứng dụng công nghệ vào quy trình hoạt động, nhằm tối ưu chi phí vận hành.

 Đến nay, 90% các nghiệp vụ ngân hàng trọng yếu đã có thể thực hiện hoàn toàn trên kênh số; đồng thời 92% số lượng giao dịch của các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đều được thực hiện hoàn toàn thông qua kênh số Mobile banking, Internet banking.


PV Kinh tế
Cùng chuyên mục