Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội sáng chế thành công nước tưới hữu cơ
Dự án này giúp giảm thời gian chăm sóc, nhưng cây trồng đô thị vẫn khỏe hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn, mở ra hướng phát triển xanh cho ngành Nông nghiệp.
Chia sẻ về dự án khoa học công nghệ nước tưới Humic cho nông nghiệp đô thị, sinh viên Lương Xuân Đức - Viện Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trưởng Dự án cho hay sản phẩm nước tưới Humic phù hợp cho cây trồng trong nhà và với các gia đình có nhu cầu trồng cây, rau xanh trên ban công, sân thượng.
Dự án này giúp giảm thời gian chăm sóc, nhưng cây trồng đô thị vẫn khỏe hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn, mở ra hướng phát triển xanh cho ngành Nông nghiệp.
Đam mê cây cảnh từ bé, lại nhận được sự hậu thuẫn của bố mẹ nên từ khi còn là cậu học sinh của trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Lương Xuân Đức đã có một cửa hàng bán cây cảnh và các sản phẩm liên quan. Đức sớm gặp thử thách khi cây cảnh cứ khô héo dần, rồi chết. Không cầm cự được lâu, cửa hàng của Đức phải đóng cửa.
Thất bại, nhưng với sự hiếu thắng của tuổi trẻ, Đức lên kế hoạch tìm kiếm một sản phẩm có thể giải quyết những vấn đề nan giải của cây trồng trong đô thị. “Ý tưởng thì dễ nhưng để theo đuổi và tìm ra được sản phẩm là cả một quá trình với nhiều thử thách.
Trong khoảng 3 năm, em cùng bố xin phân dê, bò về băm, phơi rồi rửa để lấy chất xơ. Có bận, hai bố con còn ngâm cá thành phân bón, lấy phần ruột ốc đã lưu cữu cả tháng để tìm chất dinh dưỡng cho cây nhưng đều thất bại”, Đức nói.
Lương Xuân Đức chia sẻ, năm 2017, gia đình của sinh viên này cũng khởi nghiệp một dự án cây cảnh, nhưng hầu hết số cây đều chết do thiếu dinh dưỡng. Thất bại này đã thôi thúc Đức cùng sinh viên Nguyễn Thành Đạt (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) lên ý tưởng cho một sản phẩm khoa học công nghệ này có thể giải quyết những vấn đề nan giải của cây trồng trong đô thị.
Theo Lương Xuân Đức, là một hợp chất hữu cơ được hình thành bởi sự phân hủy sinh học các chất thực vật chết, Humic được mệnh danh là "vàng đen trong nông nghiệp" đóng vai trò quan trọng quyết định độ màu mỡ của đất và dinh dưỡng cây trồng.
Trước đó, các nhà khoa học đã tìm ra hàng loạt phẩm chất quý báu của Humic với đất và cây, như: Khả năng tích trữ dinh dưỡng, kích thích mọc rễ, chồi, tăng quang hợp... Chất Humic có thể hình thành tự nhiên trong đất được canh tác hợp lý. Tuy nhiên, các biện pháp tạo ra Humic thông thường rất chậm và tốn nhiều chi phí. Giải pháp nhanh và thực tế nhất để cải thiện độ màu mỡ của đất là bổ sung Humic trực tiếp vào đất hoặc bón lá.
Theo Lương Xuân Đức, sản phẩm nước tưới Humic phù hợp cho cây trồng trong nhà và với các gia đình có nhu cầu trồng cây, rau xanh trên ban công, sân thượng.
“Humic Lười là sản phẩm thú vị nhất của bọn em, người dùng chỉ việc pha loãng sản phẩm với nước theo tỷ lệ 1:20 rồi tưới trực tiếp lên cây trồng là gần như đủ dinh dưỡng cho mọi loại cây.
Đối với nhóm cây đang chịu tổn thương như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, tổn thương khi di dời, ngộ độc…, thì dùng Fresh Humic. Nó bao hàm toàn bộ những tính chất quý báu và hơn 70 khoáng chất để kích thích sự tự phục hồi của cây trồng. Ngoài ra còn có sản phẩm mùn bã cải tạo đất trồng có thể thay thế phân bón lót, hoặc bổ sung trực tiếp cho vùng đất bị chai lì, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật...”, sinh viên Nguyễn Thành Đạt đồng sáng chế sản phẩm khoa học công nghệ cho biết.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bích Thủy, phụ trách Phòng thí nghiệm sáng tạo và khởi nghiệp chuyển đổi (D-Lab), Viện Kỹ thuật Hóa học (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đánh giá: “Ý tưởng về Dự án khoa học công nghệ "Nước tưới Humic cho nông nghiệp đô thị" được Ban Giám khảo cuộc thi dành cho sinh viên kỹ thuật khởi nghiệp (Demo Day Bách khoa 2020) đánh giá cao về tính sáng tạo, tính khả thi và mô hình kinh doanh. Sau cuộc thi này, các sinh viên được trang bị thêm kiến thức chuyên sâu và kỹ năng về khởi nghiệp để tự tin hơn với những dự án trong tương lai”.