Sở Xây dựng nói về đề xuất giải pháp tình thế thiếu cát bị Giám đốc chủ đầu tư lắc đầu
"Trong khi mỏ cát khoanh định để cung cấp thi công đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi, chưa biết cụ thể đến bao giờ mới hoàn tất thủ tục để cấp phép, thì đề xuất của nhà thầu chấp nhận chịu thiệt mua cát bên ngoài với giá cao; sử dụng bê tông thương phẩm thi công những vị trí, phần việc không vướng GPMB như cầu, đúc cấu kiện…nhưng vẫn bảo đảm không làm đội giá thành, đáp ứng tiêu chuẩn kĩ thuật và chất lượng…có phù hợp và thẩm quyền quyết định đề xuất này, thuộc cấp, cơ quan nào?", PV Etime đặt câu hỏi.
Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, về nội dung câu hỏi này, đã từng được lãnh đạo sở phát biểu tại cuộc họp mới đây, do UBND tỉnh chủ trì, diễn ra vào ngày 21/5 vừa qua.
Cụ thể, đại diện Sở Xây dựng trả lời rõ, quy định thay đổi về kỹ thuật, thiết kế, dự toán ... thì thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư.
Thế nhưng sự thay đổi (về kỹ thuật, thiết kế, dự toán ...), dĩ nhiên phải đảm bảo về chất lượng, tiến độ, giá thành (bằng hoặc thấp hơn theo nguyên tắc). Nếu thực tế (giá thành thay đổi) cao hơn, thì lấy bằng giá trúng thầu (được nhà thầu chấp thuận), còn nếu giá thực tế thấp hơn, thì lấy giá thực tế.
Cụ thể đối với đề xuất cho phép được sử dụng bê tông tươi (để tạm thời thi công thay, chờ mỏ cát khoanh định cấp phép khai thác), thì trên thị trường tại điểm này, bê tông tươi đang có giá cao hơn nhưng nhà thầu cam kết chấp nhận, không tính tăng và làm đội giá thành.
Như vậy trường hợp này là có lợi cho nhà nước, không gây thất thoát, không làm vượt tổng mức đầu tư thì quá tốt, đại diện Sở Xây dựng cho biết.
Được biết để phục vụ thi công dự án đường trọng điểm Hoàng Sa – Dốc Sỏi, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi, đã khoanh định 9 mỏ cát/hơn 693.000m3, với tổng diện tích hơn 41ha, nằm trên địa bàn huyện Bình Sơn.
Tất cả 9 mỏ cát nêu trên, được khoanh định khu vực không đấu giá, cấp chỉ định cho nhà thầu thi công để đẩy nhanh tiến độ và tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên đến nay dù đã khởi công gần nửa năm, thế nhưng do vướng thủ tục nên hiện chưa có mỏ nào trong 9 mỏ cát nêu trên, được cấp phép để phục vụ thi công.
Cùng với nguyên nhân vướng GPMB và một số khó khăn khác, việc không có nguồn cát dẫn đến dù đang là thời gian cao điểm thi công trong năm, nhưng nhiều phần việc, vị trí không vướng GPMB, hoàn toàn có thể tập trung thi công rơi vào cảnh "đứng bánh", góp phần "thắt cổ" tiến độ thi công của dự án này.
Điều đáng nói là để giải quyết tình thế cấp bách, chờ mỏ cát khoanh định được cấp phép khai thác, các nhà thầu đã đề nghị cho phép sử dụng bê tông thương mại, từ các trạm trộn trên địa bàn, để thi công với cam kết không làm phát sinh chi phí và đảm bảo đúng chất lượng theo chỉ dẫn, yêu cầu kỹ thuật của dự án.
Chưa hết đề xuất giải pháp tình thế nêu trên của nhà thầu, cũng được các phòng chức năng, chuyên môn của BQL dự án các công trình giao thông, có văn bản thống nhất.
Thế nhưng ông Ngô Văn Dụng, Giám đốc BQL dự án các công trình giao thông không đồng ý, với lý do UBND tỉnh đã thẩm định, ra Quyết định khoanh định mỏ cát để cấp chỉ định cho dự án, nhưng chủ đầu tư không phối hợp thực hiện, lại đổi qua dùng bê tông thương phẩm trong khi chưa có ý kiến của UBND tỉnh (?)…