Startup Việt biến nguy thành cơ
Trong nguy có cơ
Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến DN Việt Nam. Theo khảo sát của VCCI, có tới 87,2% DN cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”, chỉ 11% DN cho rằng họ “không bị ảnh hưởng gì” và chỉ gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”. Dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là dòng tiền và nhân công; chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Một số DN còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác như giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư, thậm chí hủy dự án đang hoặc sẽ thực hiện. Bên cạnh đó, các DN cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19.
Không ít DN gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc. Trong số đó, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các DN mới hoạt động dưới 3 năm, các DN có quy mô siêu nhỏ và nhỏ.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN Hà Nội (Sở KH&ĐT) Lê Văn Quân, thời kỳ khó khăn sẽ là cơ hội tốt để bắt đầu khởi nghiệp, bởi sẽ ít cạnh tranh về nguồn lực hơn. Tiếp nữa là, dù phải đối mặt với bất kỳ sự thay đổi nào, tiêu cực hay tích cực thì chúng ta cũng tìm thấy nhu cầu mới từ khách hàng, mà nhu cầu của khách hàng mới là yếu tố cốt lõi cho sự tồn tại của DN. Đây cũng là cơ hội để các DN tái cơ cấu lại mình.
Tuy nhiên, chính cái thuận lợi đó làm cho DN quên đi “bệnh” ở trong chính DN của mình. Giai đoạn Covid-19 diễn ra là biến cố giúp DN nhận ra rằng, mình cần tăng cường sức nội sinh, áp dụng những công nghệ tiên tiến vào điều hành sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là chuyển đổi số. “Tính đến hết tháng 4/2021, tổng số DN trên địa bàn Hà Nội là 8.860 DN, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy có thể thấy, sức hút, môi trường kinh doanh và cơ hội để DN phát triển vẫn rất rộng mở" - ông Quân nhận định.
Phát huy sức sáng tạo từ nội lực
Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Phạm Thị Bích Huệ cho rằng, trước những cơ hội và thách thức từ đại dịch Covid-19, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp cần chú trọng tính mới, sáng tạo, khả năng thương mại hóa, khả năng tăng trưởng… Theo đó, các DN khởi nghiệp cần thay đổi tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm, chú trọng đến chất lượng dịch vụ, tạo dấu ấn thương hiệu riêng. Trên thực tế, thời gian qua dù trong khó khăn vẫn có nhiều dự án khởi nghiệp thành công, hợp xu thế, thể hiện sự sáng tạo của startup Việt, góp phần vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Năm 2020, có hàng trăm dự án khởi nghiệp sáng tạo cung cấp giải pháp công nghệ chống dịch Covid-19. Trong đó, nhiều dự án trực tiếp giải quyết những nhu cầu bức thiết trong tình hình mới, ứng dụng những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tăng cường như công cụ dạy học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến…
Được gây dựng từ năm 2017, ứng dụng ManMo là nền tảng tìm kiếm và đặt phòng lưu trú. Khi truy cập vào ứng dụng, khách hàng chỉ cần cung cấp địa chỉ khu vực muốn đến hoặc tìm theo tên, giá cả, tiện ích mong muốn. Thời điểm ứng dụng chuẩn bị tung ra thị trường thì lại trùng với thời gian bùng phát dịch Covid-19. Trước tình hình này, Founder của dự án Trần Ngọc Mạnh đã nhìn ra cơ hội tăng tốc, thay vì chỉ tập trung vào khách du lịch. Dự án còn đánh vào nhu cầu chung của tất cả mọi người đó là nhu cầu tìm kiếm. Do đó, ứng dụng nhanh chóng cán mốc đạt hơn 20.000 đơn vị lưu trú đăng ký.
Cũng gặt hái được thành công trong đợt dịch, startup đánh giá ẩm thực và đời sống Riviu đã gọi vốn thành công hàng triệu USD giữa lúc cộng đồng khởi nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Co-Founder Riviu Đặng Nhất Huy cho biết, đại dịch Covid-19 đã đặt ra một sức ép buộc các DN vốn phụ thuộc vào kinh doanh offline phải chuyển mình. Theo đó, Riviu đã quyết định tạm hoãn những dự án offline và tập trung nghiên cứu hành vi người dùng, từ đó đẩy mạnh xây dựng các cộng đồng online, tạo ra những sân chơi mới. Với định hướng mới, Riviu đã nhanh chóng thoát khỏi những khó khăn và từng bước khẳng định sức ảnh hưởng của mình. Nền tảng này đã vượt mốc 1 triệu thành viên. “Tôi không phủ nhận những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 nhưng nói một cách công bằng, trong nguy luôn có cơ, Covid-19 đã tạo ra những yêu cầu mới cho thị trường, thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới của các nhà khởi nghiệp” – Co-Founder Riviu khẳng định.
"Để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do Covid-19, HĐND TP Hà Nội đã kịp thời ban hành 05 Nghị quyết hỗ trợ gần 500 tỷ đồng cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn TP; rà soát, giãn, hoãn, hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các DN trên địa bàn. Triển khai các chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư trong nước và nước ngoài." - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN Hà Nội Lê Văn Quân