Startup Việt không lo thiếu nguồn vốn

04/03/2022 08:06 GMT+7
Các quỹ đầu tư trong và ngoài nước tin tưởng vào tương lai của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trong năm 2022, đồng thời, cam kết sẽ tiếp tục rót vốn vào các startup Việt.

Theo báo cáo thường niên của ESP Capital và Cento Ventures, với việc thu hút vốn đầu tư vào startup Việt đạt hơn 1,3 tỷ USD trong năm 2021, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 trong hệ sinh thái khởi nghiệp ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu tư khởi nghiệp giảm một nửa so với năm 2019 với 874 triệu USD, nhưng sự phục hồi nhanh chóng đạt đỉnh và là mức kỷ lục trong năm 2021 và kỳ vọng năm 2022, các quỹ đầu tư tiếp tục "đổ vốn" vào startup Việt.

Nguồn vốn không ngừng đổ vào hệ sinh thái đã khích lệ tinh thần startup Việt và Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng.

Tính đến hết năm 2021, Việt Nam có khoảng 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động và đầu tư cho các startup tại Việt Nam, trong số đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa.

Những tên tuổi quỹ lớn và tích cực hoạt động trên thị trường gồm VSV Capital - Vietnam Silicon Valley, Mekong Capital, 500 Startups Vietnam, Vietnam Investment Group, IDG Ventures Vietnam, Nextrans, Do Ventures và Genesia Ventures.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures cho biết những hạn chế trong đi lại và di chuyển trong bối cảnh Covid-19 buộc các quỹ đầu tư phải làm quen với việc làm “deal” qua online.

Trong năm 2021, điểm khác biệt lớn là tất cả các quỹ đầu tư đều tiên liệu về Covid-19 trong kế hoạch kinh doanh của mình. Nhiều quỹ đầu tư hiện đã hiểu rằng, họ sẽ phải hoạt động và sống chung với Covid-19.

Startup Việt không lo thiếu nguồn vốn - Ảnh 1.

Startup Việt không lo thiếu nguồn vốn

“Chúng tôi tin rằng nguồn vốn đầu tư vào thị trường startup tại Việt Nam sẽ cao hơn, nhưng chưa chắc về được như thời kỳ đỉnh cao năm 2019. Lý do là dịch bệnh hiện vẫn tạo ra nhiều rào cản, giới hạn để các quỹ có thể di chuyển và chốt các thương vụ, đặc biệt là các vụ đầu tư giá trị lớn”, bà Uyên Vy nói.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy cho rằng khoảng cách của Việt Nam không xa so với những quốc gia đi đầu. Ngoài Singapore và Indonesia, Việt Nam cũng không thua các quốc gia khác.

Việt Nam vẫn có những startup được định giá giá trị cao như VNG, VNPAY hay có những công ty có quy mô lớn như Tiki, MoMo. Đó là những công ty đại diện cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.

Còn theo ông Louis Casey, Giám đốc phụ trách mảng công nghệ tăng trưởng của KKR Đông Nam Á, đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ, với dân số trẻ, dồi dào và ưu tiên sử dụng các dịch vụ số.

"Việt Nam đã là một thị trường năng động cho KKR, nơi chúng tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vốn vào các công ty hàng đầu của đất nước", ông Casey chia sẻ trong một bài viết đăng gần đây.

Dẫn báo cáo của Google, Temasek và Bain, ông Casey cho biết sự chuyển dịch sang nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam được phản ánh qua sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế Internet, dự kiến đạt 52 tỷ USD vào năm 2025.

Còn theo Ngân hàng HSBC, trong những năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, gần theo kịp các quốc gia như Indonesia và Singapore.

Với dân số trẻ, độ phủ mạng Internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, cùng sự ủng hộ của Chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ.

Lãnh đạo HSBC Việt Nam cũng nhận định, các công ty khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ sau thời kỳ Covid-19 ở Việt Nam. HSBC sẽ tiếp tục kết nối nhà đầu tư nước ngoài với các công ty công nghệ giàu tiềm năng của Việt Nam, bất kể họ đang ở vòng gọi vốn nào.


Theo Theleader
Cùng chuyên mục