Tài khoản mạng xã hội giả mạo "sếp" ngân hàng cho vay tài chính, đề nghị xem xét dấu hiệu vi phạm hình sự

22/07/2021 11:09 GMT+7
Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã phát đi thông báo khẩn về việc một số tài khoản mạng xã hội mạo danh và sử dụng trái phép hình ảnh của lãnh đạo cũng như hình ảnh ngân hàng SHB và Công ty tài chính tiêu dùng SHB Finance (SHB FC).

Tài khoản mạng xã hội giả mạo Tổng Giám đốc SHB, Chủ tịch SHB FC

Cụ thể, trên mạng xã hội Facebook, Zalo, thời gian gần đây xuất hiện một số tài khoản sử dụng hình ảnh Tổng Giám đốc SHB – ông Nguyễn Văn Lê và tên, hình ảnh của ông Đỗ Quang Vinh – Phó Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ SHB, Chủ tịch HĐTV SHB FC; nhằm mục đích quảng bá, lôi kéo, kêu gọi sử dụng dịch vụ tài chính, cho vay cá nhân.

Tài khoản mạng xã hội giả mạo "sếp" ngân hàng cho vay tài chính - Ảnh 1.

Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã phát đi thông báo khẩn về việc một số tài khoản mạng xã hội mạo danh và sử dụng trái phép hình ảnh của lãnh đạo cũng như hình ảnh ngân hàng SHB và Công ty tài chính tiêu dùng SHB Finance (SHB FC). (Ảnh: SHB)

Các tài khoản này dùng rất nhiều thủ đoạn lôi kéo người vay như sử dụng danh tính, uy tín của cá nhân lãnh đạo và hình ảnh ngân hàng SHB, SHB FC, cam kết hỗ trợ nợ xấu, giải ngân chỉ trong 1 giờ đồng hồ, thủ tục đơn giản, không thẩm định, lãi suất ưu đãi, hạn mức lên đến 200 triệu đồng…

"Đây là hành vi mạo danh người và tổ chức, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín ngân hàng SHB, SHB FC và cá nhân các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng", SHB cho biết.

Ngay sau khi phát hiện ra vụ việc, đại diện SHB đã liên hệ và yêu cầu các tài khoản mạng xã hội có hành vi mạo danh lãnh đạo SHB gỡ ngay tài khoản giả mạo và các hình ảnh liên quan tới ngân hàng SHB, SHB FC, ông Nguyễn Văn Lê và ông Đỗ Quang Vinh.

Đại diện ngân hàng cho biết đã có đơn tố giác và làm việc với cơ quan chức năng để tố cáo hành vi sử dụng trái phép hình ảnh lãnh đạo và ngân hàng SHB, SHB FC trên mạng xã hội; đề nghị xem xét dấu hiệu vi phạm hình sự của các hành vi này và có biện pháp can thiệp với các đối tượng liên quan một cách sớm nhất.

SHB cũng sẽ làm việc với đại diện Zalo và Facebook tại Việt Nam để tố cáo hành vi vi phạm và yêu cầu các mạng xã hội này hỗ trợ ngăn chặn các tài khoản mạo danh lãnh đạo SHB.

Cảnh báo lừa vay tiêu dùng, chiếm đoạt tài sản

Không chỉ riêng SHB, theo thống kê sơ bộ, trong vài năm trở lại đây, số lượng các vụ lừa đảo giao dịch điện tử của các đối tượng tội phạm giả danh nhân viên ngân hàng có chiều hướng tăng mạnh.

Tình trạng này "bùng phát" trong thời gian qua khi nhiều người dân gặp khó khăn về mặt tài chính do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.

Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng người dân có nhu cầu vay vốn nhưng thiếu hiểu biết về điều kiện, thủ tục vay để lừa họ vào bẫy.

Đáng nói, cho biết dù được cảnh báo rất nhiều lần nhưng nhiều người vẫn bị các đối tượng dẫn dắt, dụ dỗ, dẫn đến mất nhiều tài sản.

Gần đây, phía ngân hàng VPBank phát hiện ra app VAYTOT tự mạo danh là app vay tiền của VPBank yêu cầu khách hàng đóng một khoản phí để được giải ngân tiền.

Ngân hàng OCB cũng cho hay đã tiếp nhận thông tin phản ảnh từ khách hàng về việc một số kẻ xấu làm giả hợp đồng vay để lừa đảo, thu phí làm hồ sơ. Những kẻ này tìm kiếm khách hàng có nhu cầu vay qua các trang mạng xã hội của những ngân hàng, công ty tài chính... rồi tiếp cận, tư vấn, chào mời. Hồ sơ giả mạo được mô phỏng các điều khoản theo mẫu hợp đồng vay tại OCB.

"Tuy nhiên, các thông tin về người đứng tên đại diện của ngân hàng đều sai lệch. Sau khi cung cấp các thông tin, khách hàng sẽ được yêu cầu thanh toán theo dạng COD (giao hàng thu tiền) thông qua shipper (người giao hàng), bưu điện với chi phí từ 1,5 - 2,5 triệu đồng để nhận hợp đồng vay" - OCB cho biết.

Tài khoản mạng xã hội giả mạo "sếp" ngân hàng cho vay tài chính - Ảnh 3.

Nhiều ngân hàng, công ty tài chính từng cảnh báo việc đối tượng lừa đảo giả mạo ngân hàng, công ty tài chính cho vay tài chính. (Ảnh: thanhnien)

Techcombank cũng lên tiếng khuyến cáo về một số người tự xưng là cán bộ thẩm định khoản vay và chăm sóc khách hàng của các ngân hàng để mời chào, cung cấp các khoản vay.

"Có nơi quảng cáo là có dịch vụ thanh lý hồ sơ cho vay. Techcombank khẳng định những trường hợp quảng cáo làm các dịch vụ cho vay, thanh lý hồ sơ cho vay qua mạng là giả mạo" - ngân hàng này thông báo.

Tương tự, Công ty tài chính Bưu điện PTF cánh báo hình thức lừa đảo, mạo danh công ty tài chính bưu điện PTF mời khách hàng vốn và sử dụng ứng dụng Auto Cash để giải ngân khoản tiền ảo với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền để dụ dỗ khách hàng chuyển khoản và chiếm đoạt.

H.Anh
Cùng chuyên mục