Thái Lan thông báo tăng giá sàn xuất khẩu tinh bột sắn, sắn Việt Nam vẫn 'khó cửa' vào Trung Quốc
Sắn Thái Lan ngày càng chiếm ưu thế tại Trung Quốc dù giá cao
Tháng 2/2022, giá tinh bột sắn nội địa và sắn lát xuất khẩu của Thái Lan ổn định, trong khi giá sắn nguyên liệu được điều chỉnh giảm, nhưng giá tinh bột sắn xuất khẩu lại tăng.
Ngày 15/2/2022, Hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan đã thông báo tăng giá sàn xuất khẩu tinh bột sắn lên mức 495 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với 10 ngày đầu tháng 2; trong khi giá thu mua tinh bột sắn nội địa vẫn được giữ ở mức 15,1 Baht/kg, ổn định.
Hiệp hội Hiệp hội thương mại khoai mỳ Thái Lan ngày 15/2/2022 thông báo giữ giá sàn xuất khẩu sắn lát ở mức 240 - 250 USD/tấn FOB-Bangkok, ổn định; trong khi giá sắn nguyên liệu được điều chỉnh giảm xuống mức 2,57 Baht/kg, giảm 0,38 Baht/kg.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan, năm 2021, Thái Lan xuất khẩu được hơn 5,19 triệu tấn sắn lát (mã HS 07141011), trị giá 40,42 tỷ Baht (tương đương 1,26 tỷ USD), tăng 69,4% về lượng và tăng 89% về trị giá so với năm 2020.
Trong đó, Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,99% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của Thái Lan, với 5,19 triệu tấn, trị giá 40,41 tỷ Baht (tương đương 1,25 tỷ USD), tăng 69,5% về lượng và tăng 89,1% về trị giá so với năm 2020. (Tỷ giá ngày 18/2/2022: 1 Baht = 0,03110 USD).
Trong năm 2021, Thái Lan cũng xuất khẩu được 3,59 triệu tấn tinh bột sắn (mã HS 11081400), trị giá 52,08 tỷ Baht (tương đương 1,62 tỷ USD), tăng 31,8% về lượng và tăng 47,1% về trị giá so với năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 73,1% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của Thái Lan, với 2,63 triệu tấn, trị giá 37,41 tỷ Baht (tương đương 1,16 tỷ USD), tăng 49,6% về lượng và tăng 68,4% về trị giá so với năm 2020.
Tiếp đến là thị trường Đài Loan đứng vị trí thứ 2, chiếm 7,6%, với 272,61 nghìn tấn, tăng 17,6% và Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 3, chiếm 3,6%, với 131,1 nghìn tấn, tăng 7,5% so với năm 2020.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu tinh bột sắn của Thái Lan trong năm 2021 có sự thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Malaysia tăng, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Indonesia, Nhật Bản và Hoa Kỳ lại giảm mạnh.
Sắn Việt Nam vẫn "khó cửa" vào Trung Quốc
Hiệp hội sắn Việt Nam nhận định, thời gian qua, Trung Quốc liên tục có xu hướng giảm nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam, trong khi tăng nhập khẩu từ Thái Lan, mặc dù giá nhập khẩu tinh bột sắn từ Thái Lan cao hơn của Việt Nam. Điều này cho thấy, tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh tại thị trường Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong năm 2021, kim ngạch nhập khẩu sắn lát (mã HS 071410) của Trung Quốc đạt 1,52 tỷ USD, tăng 95,1% so với năm 2020.
Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Indonesia là các thị trường cung cấp sắn lát lớn nhất cho Trung Quốc trong năm 2021.
Năm 2021, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn lát cho Trung Quốc với kim ngạch đạt 154,14 triệu USD, tăng 60,7% so với năm 2020. Tuy nhiên, thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 10,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, giảm so với mức 12,3% của năm 2020.
Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu sắn lát của Thái Lan với 1,35 tỷ USD, tăng tới 115,6% so với năm 2020. Thị phần sắn lát của Thái Lan chiếm tới 88,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 80% của năm 2020.
Với tinh bột sắn cũng vậy, trong năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 3,48 triệu tấn tinh bột sắn (mã HS 11081400), trị giá 1,67 tỷ USD, tăng 26,4% về lượng và tăng 48,2% về trị giá so với năm 2020.
Trung Quốc cũng chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Lào và Campuchia. Trong đó, Thái Lan là thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với 2,54 triệu tấn, trị giá 1,23 tỷ USD, tăng 50,3% về lượng và tăng 74,3% về trị giá so với năm 2020.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc trong năm 2021, với 611,96 nghìn tấn, trị giá 287,31 triệu USD, lại giảm 37,7% về lượng và giảm 26,1% về trị giá so với năm 2020.
Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 17,6%, giảm mạnh so với mức 35,6% của năm 2020. Trong khi đó, thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 72,9%, tăng mạnh so với mức 61,3% của năm 2020.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), do chịu sự canh tranh với Thái Lan khiến thị phần sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh. Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn lát và tinh bột sắn cho Trung Quốc. Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan.
Vấn đề ở đây là chất lượng, dù các sản phẩm sắn của Thái Lan có giá cao nhưng chất lượng đồng đều hơn các sản phẩm sắn của Việt Nam.
Mặt khác, hiện tại, do yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19 nên hàng hóa, phương tiện và nhân lực (lái xe, công nhân bốc xếp) của ta đều phải được trang bị phương tiện bảo hộ, khử trùng và test Covid-19 khi tham gia việc giao nhận hàng hóa. Điều này làm phát sinh tăng chi phí xuất nhập khẩu hàng hóa, đồng thời làm giảm tiến độ giao nhận hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc, trong đó có mặt hàng sắn.
Trung Quốc tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, khiến sắn Việt Nam càng khó cạnh tranh với Thái Lan.
Năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài phải cạnh tranh gay gắt với sắn Thái Lan, mới đây, để đảm bảo phòng dịch, Trung Quốc còn yêu cầu với mặt hàng khô của Việt Nam, bên ngoài bao bì phải được bọc màng nylon, tránh virus xâm nhập. Trong quy trình kiểm soát hàng của phía Trung Quốc sẽ có bước phải phun khử khuẩn hàng nông sản khô, do vậy doanh nghiệp bắt buộc phải đóng gói sản phẩm khô để tránh bị hỏng. Các sản phẩm sắn của Việt Nam xuất sang Trung Quốc cũng phải đáp ứng các điều kiện này.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu được 277,14 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 117,35 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 2,6% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 giảm 40,5% về lượng và giảm 32% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 423,4 USD/tấn, giảm 2,2% so với tháng 12/2021, nhưng tăng 14,3% so với tháng 1/2021.
Tính riêng mặt hàng sắn, trong tháng 1/2022, xuất khẩu sắn đạt 94 nghìn tấn, trị giá 25,6 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 15,2% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 giảm 42,6% về lượng và giảm 35,3% về trị giá. Giá sắn xuất khẩu bình quân ở mức 272,4 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 12/2021, nhưng tăng 12,6% so với tháng 1/2021.
Trong tháng 1/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc chiếm 96,4% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 267,11 nghìn tấn, trị giá 112,14 triệu USD, tăng 7,4% về lượng và tăng 4,8% về trị giá tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 giảm 40,2% về lượng và giảm 31,9% về trị giá.