Tháng 9, lại thêm loạt ngân hàng ‘tính chuyện’ với trái phiếu

07/10/2019 14:28 GMT+7
Câu chuyện ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu không phải là mới, bởi trước áp lực gia tăng vốn huy động trung - dài hạn và tăng nền tảng vốn cấp hai khiến nhiều nhà băng buộc phải tính đến phương án này.

Chỉ tính riêng trong tháng 9 cũng đã có loạt ngân hàng tính chuyện với trái phiếu.

Gần đây nhất, ngày 27/09, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) cho biết đã phát hành 4,000 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp năm 2019 ra công chúng.

Theo đó, VietinBank chào bán 400,000 trái phiếu với mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, bao gồm 200,000 trái phiếu kỳ hạn 7 năm, đáo hạn vào năm 2026 và 200,000 trái phiếu kỳ hạn 10 năm, đáo hạn vào năm 2029.

Đây là số trái phiếu nằm trong đợt mở bán ra công chúng đầu tiên của VietinBank trong năm 2019 và nằm trong kế hoạch 5,000 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng của nhà băng này.

Tháng 9, lại thêm loạt ngân hàng ‘tính chuyện’ với trái phiếu - Ảnh 1.

Trái phiếu này của VietinBank xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 theo quy định. Lãi suất trái phiếu thả nổi theo lãi suất của 4 ngân hàng (VietinBank, BIDV, Vietcombank và Agribank).

VietinBank cho biết, số tiền phát hành 4,000 tỷ đồng trái phiếu đợt 1 sẽ được sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, VietinBank dự kiến sẽ mở bán trái phiếu ra công chúng đợt 2 vào đầu tháng 10/2019 sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, HoSE: HDB) cũng vừa phát hành thành công 10,000 trái phiếu riêng lẻ đợt 3 lần 2 năm 2019, tương ứng tổng giá trị 1 tỷ đồng.

Trái phiếu HDBank phát hành có kỳ hạn 7 năm với lãi suất danh nghĩa và lãi suất phát hành thực tế là 8.7%/năm. Tuy nhiên, trái phiếu này không đủ điều kiện được tính vào vốn cấp 2 của HDBank.

Như vậy, tính từ đầu năm 2019 đến nay, HDBank đã phát hành được 7,506 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.

Ngoài ra, trong tháng 9 vừa qua, HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHB) quyết định xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành và niêm yết 500 triệu USD trái phiếu quốc tế.

Cụ thể, SHB dự kiến phát hành 300 triệu USD trái phiếu quốc tế tăng vốn cấp 2 (trái phiếu vốn cấp 2 được mua sau 5 năm 1 ngày, không có đảm bảo và không kèm chứng quyền, không chuyển đổi) và 200 triệu USD trái phiếu quốc tế cao cấp (trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền).

Đây là trái phiếu dưới dạng bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, được phát hành và thanh toán bằng USD với mệnh giá 1,000 USD hoặc bội số của 1,000 USD hoặc mệnh giá khác phù hợp với quy tắc và quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán nước ngoài dự kiến niêm yết.

Giá chào bán dự kiến khoảng 100% mệnh giá. Kỳ hạn trái phiếu dự kiến là kỳ hạn 3-5 năm với trái phiếu quốc tế cao cấp và 10 năm đối với trái phiếu quốc tế tăng vốn cấp 2.

Số lượng trái phiếu phát hành tùy thị trường từng thời điểm với lãi suất cố định hoặc lãi suất thả nổi hoặc kết hợp cả 2. Lãi suất cụ thể được xác định theo phương pháp dựng sổ trên sơ sở nhu cầu của nhà đầu tư. SHB quyết định mức lãi suất trái phiếu phù hợp với quy định của NHNN và tùy điều kiện thị trường tại thời điểm phát hành, lãi suất tham chiếu dựa trên lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 5 năm.

Nguồn trả nợ gốc từ gốc đến hạn của các phương án cấp tín dụng, nguồn trả nợ lãi từ lãi thu được định kỳ của các phương án cấp tín dụng.

SHB dự kiến phát hành trái phiếu trong quý 4/2019 và năm 2020, tùy thuộc vào tình hình thị trường và nhu cầu của Ngân hàng. Trái phiếu quốc tế do SHB phát hành dự kiến được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore.

Mục đích SHB khi thực hiện phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài nhằm đa dạng kênh huy động vốn, hạn chế việc phụ thuộc vào nguồn huy động ngoại tệ, tạo thêm nền tảng cho việc thực hiện các chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II và các chuẩn mực tài chính quốc tế.

Trước đó, theo công bố của Chứng khoán Sài Gòn (SSI), 8 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại đã phát hành trái phiếu với tổng giá trị 56,060 tỷ đồng, chiếm 47.9% toàn thị trường.

Trong đó có 5 ngân hàng thương mại phát hành nhiều nhất, chiếm tới 83% tổng giá trị phát hành 8 tháng đầu 2019 của nhóm ngân hàng là VPBank 13,860 tỷ đồng, HDBank 11,600 tỷ đồng, ACB 7,850 tỷ đồng, VIB 6,450 tỷ đồng và LienVietPostBank 6,100 tỷ đồng.

Hầu hết trái phiếu ngân hàng có lãi suất cố định và trả lãi hàng năm; trong đó lãi suất và kỳ hạn bình quân của nhóm ngân hàng là 6.75%/năm và 3.3 năm.

Trong khi các ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu là vậy, riêng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) thì mua lại 4,000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn phát hành đợt 2 năm 2014.

Trước đó, ngày 08/08/2019, BIDV cũng đã thực hiện mua lại toàn bộ 3,300 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn phát hành đợt 1 năm 2014.

Như vậy trong năm nay, BIDV đã thực hiện mua lại toàn bộ 7,300 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn phát hành trong năm 2014.

Minh An/vietnamdaily
Cùng chuyên mục