Thăng Bình phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị

02/07/2022 10:05 GMT+7
Với quyết tâm thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã tích cực hỗ trợ các chủ thể phát triển mạnh các sản phẩm OCOP nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Húy – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, kể từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình OCOP, huyện Thăng Bình đã từng bước thực hiện các khâu triển khai, tập huấn, lựa chọn sản phẩm, phối hợp với các cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cấp chất lượng, mẫu mã, đáp ứng bộ tiêu chí bắt buộc của chương trình.

Thăng Bình phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị - Ảnh 1.

Sản phẩm nước mắm Cửa Khe Hai Hiền là một trong 4 sản phẩm của huyện Thăng Bình đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Ảnh: T.H.

Thăng Bình phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm quảng bá hình ảnh, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP...

Nhờ đó, tính đến cuối năm 2021, huyện Thăng Bình có 24 sản phẩm được công nhận OCOP.  Trong đó có 4 sản phẩm 4 sao gồm: yến tinh chế sấy khô, gạo cái quạt mo, trà cà gai leo DAIVIET; nước mắm Cửa Khe Hai Hiền.

Thăng Bình phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị - Ảnh 2.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Thăng Bình trao đổi với phóng viên. Ảnh: T.H.

20 sản phẩm 3 sao gồm: cao chè vằng miền Trung, bánh tráng cuốn Hương Huệ, phở khô Hương Huệ, hương trầm đặc biệt, hương quế đặc biệt, nếp Hương Lân, dầu mè nguyên chất Trường Giang, gạo sạch Trương Giang, hạt sen sấy khô Sen Việt; tinh dầu sả chanh Hoàng Kim, bún khô Thành Mỹ; dầu tràm Linh Vũ, bột khoai lang tím; bột ngũ cốc Cô Một, trà gừng hòa tan; nước mắm Cửa Khe Quảng Nam, nước mắm nhĩ cá cơm; bột bí đỏ Nhật Hưng; dầu đậu phụng nguyên chất.

Thăng Bình phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị - Ảnh 3.

Sản phẩm nước mắm Cửa Khe Hai Hiền ngày càng hoàn thiện, bao bì, mẫu mã... Ảnh: T.H.

Bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ cơ sở sản xuất nước mắm Cửa Khe Hai Hiền cho hay, trước đây cơ sở sản xuất hoạt động với quy mô nhỏ, thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh.

Tham gia Chương trình OCOP và được các ngành liên quan, chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm, bao bì, mẫu mã... Nhờ sản phẩm có chất lượng tốt và hồ sơ đạt yêu cầu nên cuối năm 2021 nước mắm Cửa Khe Hai Hiền được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Hiện thị trường tiêu thụ nước mắm Cửa Khe Hai Hiền được mở rộng, sản phẩm của đơn vị hiện có mặt tại các đại lý lớn trên khắp cả nước. Hàng năm, cơ sở nước mắm Cửa Khe Hai Hiền bán ra thị trường hơn 40.000 lít nước mắm, với giá bán trung bình 50.000 đồng/lít (tùy loại).

Thăng Bình phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị - Ảnh 4.

Thăng Bình phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: T.H.

Theo bà Hiền, với những kết quả ấn tượng từ ngày tham gia Chương trình OCOP là động lực lớn để bà tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với các hộ dân để phát triển... nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Năm 2022, huyện Thăng Bình có 9 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, có 6 sản phẩm mới là kiệu ngâm mắm Xóm Cát; dung dịch rửa tay khô Hoàng Kim; chả bò Bà Lệ; điểm du lịch Trảng Trầm (xã Bình Dương); cao cà gai leo DAIVIET; bột rau má sấy lạnh Tabitha. Một sản phẩm nâng hạng là bánh tráng cuốn Hương Huệ. Hai sản phẩm đánh giá lại gồm cao chè vằng miền Trung; yến tinh chế sấy khô.

"Được biết, hiện nay hầu hết các sản phẩm OCOP của huyện Thăng Bình đều sản xuất và có đầu ra ổn định, có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được thị trường trong và ngoài tỉnh tin dùng. Nhờ đó đã nâng cao giá trị sản phẩm, qua đó đã nâng cao thu nhập cho các chủ thể tham gia chương trình…", ông Nguyễn Văn Húy – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho hay.

Trần Hậu - Đoàn Hồng
Cùng chuyên mục