Thanh niên Bình Định thu lợi từ nấm bào ngư dùng hoàn toàn bằng điều khiển tự động
Bén duyên với nghề trồng nấm
Để khởi nghiệp, anh Lê Huỳnh Kha Luân (31 tuổi) cùng nhóm bạn của mình đã đầu tư khoảng nửa tỷ đồng, thực hiện thành công mô hình trồng nấm bào ngư theo công nghệ 4.0 (ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).
Hướng tới sản phẩm nông nghiệp an toàn, sạch nên nhóm bạn trẻ gồm 4 người đã chọn hướng khởi nghiệp bắt đầu từ việc sản xuất nấm bào ngư theo công nghệ 4.0.
Mô hình này có rất nhiều điểm đặc biệt, sử dụng kỹ thuật điều khiển nấm ra đúng sản lượng theo từng đơn hàng, kiểm soát được thời gian và số lượng nấm mọc. Nếu ký được đơn hàng 1 tấn nấm, người trồng sẽ dùng nắp nhựa ép các bịch phôi đến ngày hẹn giao hàng phải ra đúng 1 tấn nấm, không để nấm ra tự nhiên sẽ dẫn đến dồn hàng.
Khu nhà trồng nấm rộng 200m2, liên kết với HTX Sản xuất - Thương mại- Dịch vụ - Tổng hợp Diêu Trì, sản phẩm làm ra được HTX này bao tiêu toàn bộ.
Anh Lê Huỳnh Kha Luân - người phụ trách kỹ thuật của mô hình cho biết, sản xuất nấm bào ngư trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền Trung, gặp vô vàn khó khăn.
Bởi, nấm chỉ thích ứng với nhiệt độ thấp, còn nhiệt độ ở miền Trung lại quá cao, muốn trồng nấm đạt hiệu quả, cần hướng đến ngưỡng nhiệt độ ổn định từ 25-26 độ C.
"Vì vậy, nấm phải được trồng trong nhà kín và áp dụng công nghệ cao trong việc điều khiển nhiệt độ, độ ẩm để đảm bảo nấm được sinh trưởng, phát triển trong điều kiện tốt nhất", anh Luân lý giải.
Hoàn toàn tự động
Dẫn chúng tôi tham quan nhà trồng nấm rộng khoảng 200m2, được áp dụng công nghệ cao, anh Luân cho biết, nhà trồng nấm để được 80 kệ, mỗi kệ để được 320 phôi nấm.
Như vậy, có 25.600 bịch phôi nấm với năng xuất tối thiểu 300 gram/bịch phôi, mỗi vụ sẽ khai thác được trên 7 tấn nấm. Với giá bao tiêu 30.000 đồng/kg, người trồng thu nhập khá ổn định, lại ít nhân công, đặc biệt ít rủi ro.
Anh Luân cũng chia sẻ thêm, nấm bào ngư nói riêng cũng như các loại nấm khác rất dễ bị nấm mốc tấn công. Do vậy, ngoài các yếu tố kỹ thuật, đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm thì mỗi lần thu hoạch nấm xong phải vệ sinh sạch sẽ phôi nấm.
Tại nhà trồng nấm rộng 200m2, được đặt dày những kệ để phôi, bố trí giàn làm mát, quạt hút và giàn phun sương công nghệ Thụy Sĩ do Việt Nam lắp ráp hoàn toàn tự động.
Nếu nhiệt độ trong nhà trồng tăng cao, giàn làm mát tự động bật lên để điều hòa nhiệt độ ổn định 25-26 độ C. Hoặc nếu độ ẩm trong nhà trồng không đủ để nấm mọc thì giàn phun sương cũng tự động bật để bổ sung độ ẩm cho nhà nấm, mà không cần tác động của con người, người trồng chỉ theo dõi mọi vận hành trong nhà nấm qua điện thoại.
Theo anh Luân, đầu tư cho nhà trồng nấm công nghệ 4.0 này từ nhà xưởng, kệ, thiết bị máy móc… tiêu tốn khoảng nửa tỷ đồng, nhờ vậy mô hình này có thể sản xuất số lượng lớn từ 100.000-200.000 bịch phôi.
Nếu sản xuất nấm lệ thuộc nhiệt độ ngoài trời thì chỉ có thể làm từ 10.000 bịch phôi trở lại, rủi ro rất cao.
"Tới đây, mô hình cần liên kết với nông dân sản xuất nấm bào ngư theo hướng hữu cơ, quy trình do chúng tôi hướng dẫn mới đủ lượng hàng cung ứng theo nhu cầu. Hiện, đã có 10 hộ nông dân đặt mối liên kết sản xuất, mỗi hộ có năng lực sản xuất hơn 20.000 bịch phôi/chu kỳ", anh Luân cho hay.
Theo anh Luân, hiện tại mô hình trồng nấm bào ngư công nghệ cao của nhóm đang tạo việc làm thường xuyên cho 3-4 lao động ở địa phương. Sản phẩm nấm bào ngư của nhóm được Hợp tác xã Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ tổng hợp Diêu Trì bao tiêu toàn bộ với giá 30.000/kg nấm tươi.
Ngoài ra, sản phẩm cung cấp cho các chợ đầu mối ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, TP.Đà Nẵng.
Ông Phan Văn Khiêm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) nhận xét: "Mô hình trồng nấm bào ngư của nhóm Lê Huỳnh Kha Luân là một mô hình mới, bước đầu cho kết quả tốt. Địa phương rất quan tâm, nếu thực sự hiệu quả sẽ thông qua các mô hình khuyến nông để hỗ trợ, mở rộng để phát triển mô hình trồng nấm này tại địa phương".