Thanh niên khởi nghiệp xây dựng tương lai
Diễn đàn là một trong các chương trình chính của chuỗi hoạt động Ngày hội KN sáng tạo Quảng Nam lần thứ 2 - Techfest Quang Nam 2021, diễn ra từ ngày 23 - 25/3 tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam (TP.Tam Kỳ).
Hiếm thấy diễn đàn nào ít có "thời gian chết" như vậy. Chỉ diễn ra trong hơn 2 giờ đồng hồ, nhưng hàng chục bạn trẻ đã có cơ hội đặt câu hỏi, trình bày suy nghĩ, tâm tư của mình về KN. Chủ trì diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trả lời đầy đủ các vấn đề, không "đẩy" việc giải đáp cho đại diện sở, ban ngành nào.
Vấn đề từ thực tiễn
Tham gia ý kiến tại diễn đàn phần lớn là những người trẻ KN có sản phẩm, dự án trên thực tế. Từ KN, nhiều người đã tạo ra các sản phẩm OCOP chủ lực cho địa phương. Các câu hỏi tập trung vào các nhóm vấn đề như cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh về phát triển dược liệu, du lịch cộng đồng, nông nghiệp…
Chị Phan Nữ Hoài Vui, người KN với các sản phẩm mo cau ở Tiên Phước cho biết, bản thân về quê KN đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của địa phương. Chỉ sau 4 tháng ra thị trường nay tiếp cận được nhiều khách hàng lớn. Tuy nhiên quy mô sản xuất còn nhỏ, không thể đáp ứng số lượng lớn.
"Hơn 10 năm làm ăn tích cóp ở TP.Hồ Chí Minh, khi về quê KN chúng tôi đã dồn tất cả đầu tư vào quy trình sản xuất, nguyên liệu, nhân công… Nay do yêu cầu thị trường và định hướng xuất khẩu sản phẩm phải mở rộng quy mô khiến hợp tác xã gặp nhiều khó khăn, cần sự hỗ trợ về vốn, thuê đất đai..." - chị Vui bày tỏ.
Một doanh nghiệp KN đến từ huyện Quế Sơn hỏi lãnh đạo tỉnh về cơ chế, chính sách nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên đất. Bởi hiện nay, việc tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp gặp khó, trong khi Quảng Nam lại đang lãng phí đất cho trồng cây keo. Ngoài ra, tỉnh có cơ chế nào để DN dễ dàng tiếp cận vốn ưu đãi dài hạn…
Quảng Nam quyết tâm đi đầu khu vực về khởi nghiệp
Đánh giá cao những kết quả trong xây dựng hệ sinh thái KN sáng tạo tỉnh thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, trong giai đoạn mới sẽ có nhiều sự thay đổi để nâng hiệu quả việc hỗ trợ KN. Trong đó sẽ thành lập một kênh chuyên giải đáp câu hỏi, thắc mắc về KN, có thể qua nhóm zalo để hỗ trợ, cung cấp thông tin cho người KN nắm bắt tất cả cơ chế, chính sách liên quan. Với những quyết tâm đó, Quảng Nam kỳ vọng sẽ dẫn đầu khu vực miền Trung, nằm trong nhóm những địa phương mạnh về xây dựng hệ sinh thái KN trong cả nước. Trước mắt tập trung làm chiều rộng, khơi dậy tinh thần KN rồi dần tính đến chiều sâu...
Anh Huỳnh Mốt - chủ doanh nghiệp ở thị xã Điện Bàn kiến nghị tỉnh và những chủ thể OCOP quan tâm phát triển kênh bán lẻ, đưa sản phẩm vào các chợ truyền thống, thay vì tập trung tiêu thụ ở các cửa hàng, siêu thị… Đồng thời nghiên cứu, tính toán về giá thành, quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong khi đó, một thanh niên có ý tưởng KN du lịch sinh thái gắn với làng nghề truyền thống ở Cẩm Kim (TP.Hội An) cho rằng, lãnh đạo tỉnh cần quan tâm, tính toán việc đào tạo, truyền nghề để phát triển, bảo tồn làng nghề truyền thống.
KN với sản phẩm từ trái nhàu, chị Bùi Thị Tuyết Nhung (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) cho biết, chị tham gia câu lạc bộ KN từ năm 2017, đến năm 2019 đã có các sản phẩm KN ra thị trường. Trong quá trình đó, chị nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, kết nối, tiếp cận chính sách, phát triển thương hiệu…
"Mong muốn duy nhất của tôi là tỉnh có một không gian trưng bày tầm cỡ cho các sản phẩm KN, OCOP… Ở đây, không chỉ trưng bày, bán hàng, mà doanh nghiệp còn có cơ hội trình diễn quy trình sản xuất cho du khách đến tham quan, mua sắm" - chị Nhung nói.
Sát cánh cùng khởi nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã có những trao đổi cụ thể từng nhóm vấn đề. Trước câu hỏi về sự hỗ trợ của tỉnh với những người KN gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ông Thanh cho biết lãnh đạo tỉnh hiểu và hết sức chia sẻ với những khó khăn đó bằng việc thực thi và thúc đẩy các chính sách hỗ trợ. Đồng thời mong muốn trong khó khăn những người trẻ không chịu đầu hàng mà gắng tìm kiếm hướng đi, cơ hội mới.
"Hôm nay Covid, bão lũ, ngày mai có thể là trở ngại khác lớn hơn. Trong khó khăn, thách thức sẽ có những cơ hội mới, quan trọng là dám dấn thân, dám chấp nhận thất bại. Nếu không dám chấp nhận thất bại thì không bao giờ thành công" - ông Thanh nói.
Những ý kiến xung quanh các cơ chế, chính sách đã được chủ trì diễn đàn trả lời rõ ràng. Đồng thời đề nghị người KN tự trang bị năng lực, mối quan hệ, tìm hiểu để tiếp cận hiệu quả các cơ chế, chính sách từ trung ương đến địa phương.
Xung quanh câu chuyện thành lập khu trưng bày cấp tỉnh về sản phẩm KN, OCOP…, ông Thanh cho biết, hiện TP.Hội An đã tìm được khu đất 5ha theo yêu cầu của tỉnh để chuẩn bị triển khai. Tỉnh mong muốn biến nơi này thành một trung tâm, không gian trưng bày sản phẩm OCOP tầm quốc tế.
Một câu chuyện cũ tiếp tục được nhắc đến tại diễn đàn là vấn đề liên kết trong sản xuất, trong KN. Trả lời ý kiến đề xuất tỉnh làm trung gian kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trong cung - cầu sản phẩm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng tỉnh đã và đang tiếp tục kết nối để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thị trường với các sản phẩm KN về nông nghiệp là rất lớn để phục vụ du lịch, các khu công nghiệp, thị trường Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh… Tuy nhiên, đảm bảo nguồn cung mới là quan trọng; quy mô, khâu tổ chức, quy trình sản xuất trong nông nghiệp cần đảm bảo.
"Bản thân người KN ít vốn, kinh nghiệm quản trị chưa nhiều, trong khi thị trường luôn cạnh tranh, nên cần phải có sự liên kết với các nhà đầu tư lớn để nâng tầm sản phẩm. Vốn rất quan trọng, nhưng điều đó cũng quan trọng không kém" - ông Thanh nói.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, ngoài diễn đàn hôm nay thì giữa lãnh đạo tỉnh và thanh niên KN còn nhiều cơ hội, hình thức để tương tác, chia sẻ. "Về phía lãnh đạo tỉnh, tôi cam kết đồng hành, chia sẻ để làm sao chúng ta xây dựng kinh tế tốt cho mỗi người và quê hương. Tất cả vướng mắc, tồn tại, khó khăn nếu chúng ta cùng nỗ lực sẽ vượt qua được. Trong chúng ta, ai cũng mang một tinh thần chiến sĩ, dấn thân, không quản ngại khó khăn, vươn lên" - ông Thanh phát biểu kết thúc diễn đàn.