Thay đổi nhận diện thương hiệu, MB chính thức tăng vốn điều lệ lên hơn 23.700 tỉ
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có Quyết định về việc sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank).
Cụ thể, Thống đốc NHNN quyết định sửa đổi Điều 2 Giấy phép thành lập và hoạt động ngày 16/10/2018 do Thống đốc cấp cho MBBank. Theo đó, vốn điều lệ của MBBank là 23.727 tỉ đồng.
Ngân hàng có trách nhiệm thực hiện các qui định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với nội dung sửa đổi nêu tại Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và là bộ phận không tách rời của Giấy phép thành lập và hoạt động số 100 do Thống đốc NHNN cấp cho MBBank.
Trước đó, vào đầu tháng 11, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết MBBank có kế hoạch huy động khoảng 240 triệu USD từ việc bán 7,5% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua một đợt phát hành riêng lẻ.
Kế hoạch bán 7,5% cổ phần, tương đương 141,5 triệu cổ phiếu mới và 47 triệu cổ phiếu quĩ, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 11.
Theo thông tin có được, MBBank dự kiến chào bán cổ phiếu cho khoảng 100 nhà đầu tư và đã làm việc với khoảng 40 nhà đầu tư nước ngoài, gồm Nhật Bản, Hong Kong, Singapore và Hàn Quốc.
Về kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính quý III/2019 của MB cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của MB đạt 7.616 tỉ đồng, tăng gần 27% so với cùng kì năm trước và bằng 76% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.142 tỉ đồng, tăng 27,9%.
Mảng tín dụng tiếp tục là mảng trụ cột khi đem về cho MB 13.111 tỉ đồng thu nhập lãi thuần trong quý 9 tháng đầu năm, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng tới 37%, mang về cho MB hơn 2.312 tỉ đồng.
Lợi nhuận tăng trưởng song kèm với đó là rủi ro hoạt động của MB đang ngày càng lớn. Điều này được thể hiện bởi tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,33% lên 1,54%. Một phần nguyên nhân đến từ nhà băng này tích cực cho vay tiêu dùng của ngân hàng trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, tại ngày 30/9, nợ xấu của MB hợp nhất là 3.703 tỉ đồng, tăng 29% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng tới 40% lên 1.348 tỉ.
Trong khi đó, theo BCTC riêng lẻ, nợ xấu tại ngân hàng mẹ cuối tháng 9 là 3.112 tỉ đồng, tăng 23% so với đầu năm (gấp đôi mức tăng trưởng cho vay), kéo tỉ lệ nợ xấu riêng lẻ tăng từ 1,22% vào cuối năm 2018 lên mức 1,35%. Ước tính nợ xấu tại công ty con MCredit là khoảng 590 tỉ đồng.
Tổng dư nợ cho vay cuối tháng 9 của MBBank hợp nhất là 240.211 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay của ngân hàng riêng lẻ là 230.143 tỉ, 2.564 tỉ cho vay tại MBS. Ước tính, dư nợ cho vay khách hàng của MCredit là khoảng 7.504 tỉ đồng.
Như vậy, nợ xấu của MCredit theo tính toán lên tới khoảng 590 tỉ đồng, chiếm đến 7,9% tổng dư nợ cho vay khách hàng của công ty tài chính này. Tỉ lệ này tăng khá mạnh so với mức hồi đầu năm - chỉ xấp xỉ 6%.
Mới đây, nhà băng này cũng đã chính thức thay đổi đồng loạt nền tảng thương hiệu mới tại 300 điểm giao dịch trên toàn hệ thống. Theo lãnh đạo ngân hàng này, hình ảnh nhận diện Logo mới của MB nhằm thể hiện sứ mệnh của ngân hàng là trở thành ngân hàng thông minh, ngân hàng số và chuyên nghiệp.