Thấy gì khi đại gia bất động sản "rót tiền" vào ngân hàng
Đại gia bất động sản "rót tiền" nâng sở hữu tại ngân hàng
Đơn cử như hồi tháng 2 vừa qua, ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), Chủ tịch HĐQT công ty CP Thaiholdings (hoạt động trong lĩnh vực bất động sản) được giới thiệu là đại diện cổ đông lớn của một ngân hàng có quy mô vốn điều lệ hơn 10.000 tỷ đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên bầu Thụy trực tiếp góp mặt tại các sự kiện của ngân hàng này.
Trước đó, ngày 9/11/2020, bầu Thụy đã tham gia nghi lễ đánh cồng trong ngày chào sàn HOSE bên cạnh các lãnh đạo chủ chốt của nhà băng này. Lưu ý rằng, bầu Thụy khi ấy không phải lãnh đạo của ngân hàng nói trên, cũng như HOSE.
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường của ngân hàng Kienlongbank đã thông qua việc bổ sung ông Lê Hồng Phương, Tổng giám đốc BB Group, vào hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018 – 2022.
Tại thời điểm được bầu, ông Phương đang đảm nhận vị trí CEO tại BB Group, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, bất động sản, F&B và tài chính.
Hay như MSB mới đây đã quyết định bán 7,9 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 0,67% vốn điều lệ ngân hàng cho cổ đông là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam, một công ty con thuộc Tập đoàn TNG.
Trước đó, vào tháng 11/2020, một công ty con khác cũng thuộc TNG là TNS Holdings đã nhận chuyện nhượng 32,2 triệu cổ phiếu MSB từ CTCP Bất động sản Xây dựng Hưng Thịnh.
Đồng thời, TNS Holdings còn nhận chuyển nhượng gần 21,8 triệu cổ phần MSB từ CTCP Đầu tư Xây dựng TNCons Việt Nam (TNCons), một công ty con khác thuộc Tập đoàn TNG.
Lo "bẻ lái" tín dụng?
Giới phân tích nhìn nhận, mối lợi của các cổ đông là "đại gia" bất động sản khi nắm giữ cổ phiếu ngân hàng không phải từ việc tăng giá cổ phiếu, hay khoản cổ tức không mấy hấp dẫn của nhà băng. Rất có thể, lợi ích mà các ông chủ, bà chủ tập đoàn bất động sản kỳ vọng khi "rót tiền" nâng sở hữu tại các ngân hàng hay được "kết nạp" trong dàn lãnh đạo chủ chốt là có thể "bẻ lái" tín dụng đến dự án bất động sản "sân sau".
Trên thực tế, báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cũng cho thấy, quan hệ tín dụng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp giữa ngân hàng với doanh nghiệp bất động sản sân sau đều có những liên hệ nhất định.
Tại Thaiholdings của bầu Thụy, báo cáo tài chính năm hợp nhất sau soát xét năm 2020 của Thaiholdings cho thấy, nợ vay của doanh nghiệp tăng vọt trong năm vừa qua, trong đó có phần lớn từ nguồn vay nợ ngân hàng.
Đáng chú ý, trong 918 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn củaThaiholdings thì có đến hơn 570 tỷ đồng từ đến từ một ngân hàng cho vay.
Tính đến cuối năm 2020, nợ vay ngắn hạn tại ngân hàng nói trên chiếm tới 49% và xấp xỉ bằng tổng nợ vay ngắn hạn tại Agribank, BIDV và SHB cộng lại.
Tại MSB, không ít ý kiến cho rằng, MSB có phần "ưu ái" đối với các dự án của TNR. Bởi MSB có mặt trong rất nhiều dự án mà TNR triển khai như TNR Grand Palace Thái Bình, TNR Star Riverside Nam Sách, TNR Stars Đồng Văn,…
Để giám sát dòng vốn từ ngân hàng chảy vào các quan hệ sở hữu chéo, Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đã quy định về giới hạn tín dụng. Theo đó, tổng dư nợ tín dụng với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng. Tổng dư nợ của một khách hàng và người liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có (dư nợ này đã bao gồm cả trái phiếu do doanh nghiệp phát hành).
Song có thể thấy, quy định trên chưa thể giám sát được hết các quan hệ sở hữu vô cùng phức tạp hiện nay. Lý do là nhiều tập đoàn bất động sản hiện sở hữu hàng trăm công ty con, công ty cháu. Thông qua mạng lưới công ty con, cháu chằng chịt này, một doanh nghiệp rất dễ - vô tình hoặc cố ý vượt hạn mức 15%. Bên cạnh đó, đang xuất hiện các nhóm liên kết mà chủ sở hữu không vi phạm quy định về "người liên quan", tức ngân hàng có thể cho các nhóm liên kết này vay vượt 25% vốn tự có của mình mà không phạm luật.
Đây cũng là lý do giải thích vì sao, cho dù sở hữu chéo, về mặt danh nghĩa đã giảm đi rất nhiều, song giới chuyên gia vẫn lo ngại về khả năng kiểm soát tín dụng của cổ đông và người liên quan.