Thấy gì từ con số tăng trưởng GDP 8,02% của năm 2022

08/01/2023 15:28 GMT+7
Mặc dù tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1997, song nền kinh tế vẫn chưa tiến gần đến mức tăng trưởng trung bình trong giai đoạn trước Covid (6,5%/năm), khi tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2020-2022 là ước tính khoảng 4,5%/năm.

Mặc dù kết quả cả năm khả quan, tăng trưởng GDP Quý 4/2022 cho thấy sự giảm tốc

Dữ liệu vĩ mô mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng GDP trong Quý 4/2022 của Việt Nam đã chậm lại, chỉ tăng 5,92% so với cùng kỳ năm ngoái (GDP Quý 3 tăng 13,71%).

Trên thực tế, con số này không đem lại quá nhiều bất ngờ khi quan sát cho thấy, sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu trong các tháng gần đây, cũng như hiệu ứng mức nền thấp cũng không còn xuất hiện trong Quý 4 năm nay.

Thấy gì từ con số tăng trưởng GDP 8,02% của năm 2022 - Ảnh 1.

Xét tổng quát, tăng trưởng GDP trong cả năm 2022 đạt 8,02%, đánh dấu mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1997 và giúp Việt Nam có thể nằm trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Châu Á.

Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng chậm lại (4,2% so với cùng kỳ, so với mức 12,2% của Quý 3) phản ánh sự sụt giảm chung từ lĩnh vực chế biến chế tạo và xây dựng trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài yếu đi rõ rệt và ngành bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) và PMI ngành chế biến chế tạo trong tháng 12 đều ghi nhận kết quả không mấy tích cực, trong đó số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt.

Khu vực dịch vụ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trong Quý 4/2022 (ghi nhận mức tăng 8,12% so với cùng kỳ) với sự hồi phục từ khối du lịch (dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 37,6%) và bán buôn/bán lẻ (tăng 6,83%).

Trong đó, lượng khách du lịch đã có sự cải thiện đáng kể trong những tháng cuối cùng của năm, với mức tăng trung bình đạt khoảng 20% so với tháng trước, và cơ cấu khách du lịch cũng đa dạng hơn.

Tuy nhiên, lượng khách du lịch trong năm 2022 hiện chỉ mới đạt khoảng 20% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19 (2019), và khiến cho quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 chỉ đạt 82,5% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.

Thấy gì từ con số tăng trưởng GDP 8,02% của năm 2022 - Ảnh 3.

Nguồn: TCTK, S&P Global, SSI Research.

Xét tổng quát, tăng trưởng GDP trong cả năm 2022 đạt 8,02%, đánh dấu mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1997 và giúp Việt Nam có thể nằm trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Châu Á.

Động lực đến từ hầu hết các khu vực kinh tế chính khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn sau Covid-19, cũng như những yếu tố nền tảng đến từ tiêu dùng nội địa và dòng vốn FDI.

Tuy nhiên, bộ phận nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán SSI lưu ý rằng, ngay cả khi tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022, nền kinh tế vẫn chưa tiến gần đến mức tăng trưởng trung bình trong giai đoạn trước Covid (6,5%/năm), khi tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2020-2022 là ước tính khoảng 4,5%/năm.

Trong kịch bản cơ sở, các chuyên gia tại đây kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2023 ước tính là 6,0-6,2%, với một số giả định như nền kinh tế toàn cầu hạ cánh cứng (nhưng không phải suy thoái kéo dài), các xung đột địa chính trị sẽ cải thiện đáng kể, việc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng chống Covid ở Trung Quốc diễn ra suôn sẻ và không có sự biến động quá tiêu cực đối với thị trường bất động sản của Việt Nam.

Lạm phát tiếp tục tăng tốc

Về lạm phát, theo bộ phận nghiên cứu SSI, trong khi lạm phát trung bình trong năm 2022 được kiểm soát ở mức 3,15% so với cùng kỳ, thấp hơn mục tiêu của Chính phủ là 4%. Thế nhưng, dữ liệu theo tháng cho thấy chỉ số CPI đã bắt đầu tăng tốc mạnh từ Quý 3/2022 với các yếu tố tác động tăng dịch chuyển dần từ nhóm năng lượng sang nhóm hàng hóa liên quan đến giáo dục và nhà ở.

"Điều này cũng khiến cho lạm phát cơ bản tăng mạnh hơn lạm phát chung, và áp lực lạm phát sẽ lớn dần hơn trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt khi xem xét việc điều chỉnh giá các nhóm hàng thuộc quản lý của Chính phủ như điện hay y tế hay từ yếu tố mùa vụ", SSI nhấn mạnh.

Trên thực tế, các kịch bản lạm phát trong năm 2023 từ các cơ quan Chính phủ cũng có sự phân hóa (dao động từ 3,8% - 5%), cho thấy các yếu tố tác động đến lạm phát sẽ khó lường hơn rất nhiều và thậm chí mục tiêu 4,5% mà Chính phủ đưa ra cũng khá thách thức.


H.Anh
Cùng chuyên mục