Tăng trưởng GDP có thể đạt tới 8%, doanh nghiệp vẫn "khóc ròng", vì sao?

28/10/2022 10:46 GMT+7
Các đại biểu Quốc hội đều có chung nhận định cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt được 8%/năm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao kinh tế phục hồi, song cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn?
Tăng trưởng GDP có thể đạt tới 8%, doanh nghiệp vẫn "khóc ròng", vì sao? - Ảnh 1.

Tăng trưởng GDP có thể đạt tới 8%, doanh nghiệp vẫn "khóc ròng".

Lý giải, đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) cho biết, có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân hiện nay hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu dựa vào 2 nguồn vốn chủ yếu: Thứ nhất là nguồn vốn bên trong doanh nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 20-30%.

Thứ hai là 70% đến 80% vốn còn lại từ nguồn vốn vay bên ngoài, trong khi tiềm lực các ngân hàng Việt Nam còn hạn chế. Để bảo đảm có nguồn vốn cho vay trung và dài hạn thì các ngân hàng buộc phải đi vay các nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.

Điều này chứa đựng nhiều nguy cơ rất lớn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế, về phía doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao cùng với chi phí vốn cao dẫn đến sinh lời thấp.

Mặt khác, việc phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay của ngân hàng cho nên ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của doanh nghiệp trong trường hợp nguồn vay bị hạn chế hoặc bị gián đoạn.

Vì thế, bên cạnh các giải pháp mà doanh nghiệp cần phải tập trung, đó là xác định cơ cấu vốn tối ưu, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, huy động vốn qua thị trường chứng khoán và nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, đại biểu bổ sung thêm 3 ý kiến kiến nghị đến Chính phủ.

Một, rà soát và xây dựng lại các giải pháp nhằm tác động mạnh mẽ hơn để giúp các doanh nghiệp đủ sức vực dậy trong sản xuất, kinh doanh, thể hiện quan điểm cơ chế rõ ràng, thiết thực đối với những chính sách đã ban hành nhưng thời gian qua triển triển khai còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Hai, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh bằng cách tiếp tục thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế, gia hạn thuế, phí, lệ phí, các chính sách cơ cấu lại nợ, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, tiếp tục cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ;

tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động của các ngân hàng thương mại để có dư địa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên; có chính sách hỗ trợ phù hợp cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, như sản xuất và chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, dịch vụ vận tải, du lịch; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển khu công nghiệp, v.v..

Ba, để khắc phục tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, tính toán lại giá cơ bản cho phù hợp với thực tế, đảm bảo hài hòa lợi ích của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ và người dân.

Đối với các công ty là thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trước mắt cần tăng sản lượng phân bổ cho thị trường để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ đến cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, trong đó riêng nhu cầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là 75.000 m3.

Tăng trưởng GDP có thể đạt tới 8%, doanh nghiệp vẫn "khóc ròng", vì sao? - Ảnh 3.

Cần tháo gỡ vướng mắc về vốn cho doanh nghiệp.

Nêu nhận định của mình, GS Hoàng Văn Cường – Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, sau 2 năm đại dịch, nợ của các doanh nghiệp đang là một thách thức rất lớn.

Sang năm 2023, thời hạn hỗ trợ các chính sách tài khóa kết thúc, các doanh nghiệp vừa phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính hiện tại, vừa phải trả nợ dần các khoản tiền được giãn, hoãn trong 2 năm qua. Cộng vào đó là thanh toán các khoản nợ đến hạn phải trả.

Trong bối cảnh kinh tế nếu rơi vào khủng hoảng thị trường thu hẹp, nghĩa vụ tài chính nặng nề như trên sẽ đẩy nhanh doanh nghiệp đi đến bên bờ vực phá sản, theo ông Cường.

Do vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp đối phó kịch bản xấu nhất khi xảy ra khủng hoảng kinh tế. Chính sách tài khóa ngược để hỗ trợ doanh nghiệp là giải pháp lựa chọn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

PVKT
Cùng chuyên mục