Thị phần về tay tư nhân, điều gì xảy ra với khối NHTM Nhà nước?
Đây là đánh giá của các nhà phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo mới về ngành ngân hàng.
Big Four NHTM Nhà nước "co lại" nhường thị phần cho các "ông lớn" ngân hàng tư nhân?
Trong báo cáo phân tích ngân hàng VietinBank mới đây, chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dẫn số liệu thống kê cho biết, các NHTM Nhà nước niêm yết (BIDV, VietinBank, Vietcombank) hiện chiếm khoảng 34% thị phần tín dụng. Tuy nhiên, những ngân hàng này lại ghi nhận kết quả tương đối kém trong những năm gần đây.
Trường hợp đáng chú ý nhất là VietinBank (CTG), thị phần tín dụng của ngân hàng đã giảm 1,96% trong hai năm tính đến cuối quý 3/2020. Trong cùng thời gian, thị phần BIDV giảm 0,70% điểm cơ bản. Thị phần của Vietcombank không thay đổi nhiều (giảm 8 điểm %).
Trong 2,74% thị phần tín dụng mà các ngân hàng này đã mất, bốn ngân hàng tư nhân lớn nhất về giá trị vốn hóa thị trường là TCB, VPB, MBB và ACB, giành được 1,58%.
Hiện VietinBank, BIDV, Vietcombank đang dần triển khai việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng như giữ lại lợi nhuận để bổ sung vốn điều lệ. Tuy nhiên, VDSC lưu ý rằng, bất kỳ hình thức cổ tức nào cũng không cải thiện CAR. Những ngân hàng này vẫn cần sớm phát hành riêng lẻ để tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2021 và xa hơn, hoặc việc mất thị phần sẽ tiếp diễn do các ngân hàng tư nhân đang tăng trưởng mạnh.
Khối ngân hàng tư nhân ngày càng bỏ xa NHTM Nhà nước
Điều gì đang xảy ra với khối ngân hàng quốc doanh?
Theo VDSC, nền tảng vốn mỏng là nguyên nhân khiến tăng trưởng của nhóm ngân hàng quốc doanh thấp hơn bình quân ngành trong những năm gần đây.
Số liệu cập nhất mới nhất về hoạt động hệ thống TCTD đến cuối tháng 10/2020 của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tăng trưởng tài sản và vốn điều lệ của khối NHTM Nhà nước đã bị bỏ xa bởi khối NHTM cổ phần.
Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2020, tổng tài sản của toàn hệ thống tăng 4,75%, đạt hơn 13,1 triệu tỷ đồng.
Trong đó, tổng tài sản của nhóm 7 NHTM Nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, CBBank, OceanBank và GPBank chỉ tăng 0,06% lên hơn 5,44 triệu tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (NHTM cổ phần) tăng 7,68% đạt 5,61 triệu tỷ. Nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài cũng tăng mạnh 10,26% lên gần 1,5 triệu tỷ đồng.
Nếu so về giá trị tuyệt đối, tổng tài sản của khối NHTM Nhà nước và NHTM cổ phần tương đương nhau. Tuy nhiên, vốn điều lệ của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đang cao hơn rất nhiều so với các NHTM Nhà nước.
Trong 10 tháng, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ tăng 0,06% lên 155.248 tỷ đồng. Trong khi vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần tăng 5,39% lên 300.046 tỷ.
Đến cuối tháng 10, tỷ lệ an toàn vốn CAR theo Basel II (áp dụng theo Thông tư 41) của hệ thống ngân hàng là 11,65%, trong đó các ngân hàng thương mại nhà nước là 9,54%; các NHTM cổ phần là 10,83%; ngân hàng nước ngoài lên tới 19,36%.
Tổng vốn tự có của các ngân hàng thương mại cổ phần cuối tháng 10 đạt hơn 432 nghìn tỷ đồng; trong khi các ngân hàng thương mại Nhà nước là hơn 214 nghìn tỷ.
Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống đạt 25,43%. Trong đó, tỷ lệ này tại các NHTM Nhà nước là 29,75%; của NHTM cổ phần là 27,69%.