Thị trường bảo hiểm có “miễn nhiễm” với virus corona?
Báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh viêm phổi do virus corona của Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 1/2020, thị trường bảo hiểm đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019, do đây là dịp Tết Nguyên đán.
Lĩnh vực bảo hiểm bao gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe; trong đó, bảo hiểm sức khỏe được triển khai bởi cả doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Thông thườmg, sự tăng trưởng, phát triển, cũng như chi phí bồi thường/trả tiền bảo hiểm của ngành bảo hiểm phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, các biến động lớn của kinh tế-xã hội và xu hướng tiêu dùng, sản xuất của mỗi quốc gia và thế giới. Trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí của ngành bảo hiểm là 20,54%, luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong những năm gần đây.
Liên quan đến tác động của virus corona tới thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính cho rằng, tính đến thời điểm hiện nay, dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus corona đã có một số tác động đến thị trường bảo hiểm nhưng không đáng kể.
Theo Bộ Tài chính với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, về cơ bản, các hợp đồng bảo hiểm được tái tục từ cuối năm trước nên tổng doanh thu phí bảo hiểm không có nhiều biển động (bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm sức khỏe...).
Do tác động của dịch cúm, một số hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng liên quan đến lao động Trung Quốc, hoạt động du lịch sang Trung Quốc có thể bị trì hoãn, dẫn đến việc giảm phí bảo hiểm du lịch và có thể tăng chi phí bảo hiểm gián đoạn kinh doanh cho một số doanh nghiệp; có thể phát sinh chi phí bảo hiểm chăm sóc sức khỏe đối với bệnh nhân nhiễm virus corona nếu có tham gia bảo hiểm.
Xét trong ngắn hạn, phí bảo hiểm du lịch và chi phí bồi thường gián đoạn kinh doanh không quá cao và chưa phát sinh chi phí bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cả bệnh nhân nhiễm virus cúm này.
Hiện, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đẩy mạnh khai thác bảo hiểm chăm sóc sức khỏe để người đân có cơ hội tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm nếu nhiễm cúm. Chi phí tham gia bảo hiểm không tăng, do các sản phẩm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn trước đó.
Tuy nhiên, nếu dịch cúm corona bùng phát trên diện rộng tại Việt Nam và kéo dài, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ phải tăng chi phi bồi thường bảo hiểm, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Do đó các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải điều chỉnh tăng phí bảo hiểm đồng thời, trường hợp thị trường chứng khoán sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư cổ phiếu của doanh nghiệp bảo hiểm.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, nhìn một cách tích cực thì sự kiện này cũng có tác động đối với thị trường bảo hiểm qua việc nhận thức của người dân về vai trò và ý nghĩa của bảo hiểm được nâng lên, từ đó thúc đẩy việc tham gia bảo hiểm để bảo vệ sức khỏe cũng như tài sản của mình.
Còn theo nhận định của Công ty chứng khoán SSI, tổ chức này cho rằng, virus corona sẽ có rất ít tác động trong ngắn hạn đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ. Đồng thời, SSI duy trì quan điểm tích cực trong dài hạn vì nhu cầu được bảo hiểm sẽ tăng lên khi xuất hiện dịch bệnh.
Tuy nhiên, trong trường hợp Chính phủ cần các yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng vào nửa cuối năm 2020, lãi suất thấp có thể ảnh hưởng đến lợi tức đầu tư của các công ty bảo hiểm.
"Đối với các công ty bảo hiểm nói chung, dịch virus corona tại Việt Nam sẽ khiến chi phí bồi thường tăng lên ở mức vừa phải. Điều này là do hầu hết các chi phí y tế sẽ được bảo hiểm xã hội chi trả. Ngoài ra, việc thanh toán chi phí bồi thường thực tế có thể xảy ra 1-2 tháng sau sự cố do đó, chúng tôi cho rằng tác động tiêu cực sẽ không diễn ra ngay đối với KQKD Q1/2020", SSI đề cập.