Thị trường chứng khoán 20/3: Điểm tiêu cực là dịch Covid-19
Các công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Công ty chứng khoán Vndirect (VND) và Công ty chứng khoán Tân Việt vẫn lo ngại dịch Covid-19 khi dự báo xu hướng thị trường chứng khoán hôm nay 20/3.
TVSI: Tâm lý thận trọng gia tăng
VN-Index đóng cửa tại 725,94 điểm, giảm 21,72 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng mạnh về số mã giảm giá. Trong khi đó thanh khoản đạt 2.712 tỷ, giảm 6,45% và duy trì dưới mức bình quân 20 phiên gần nhất cho thấy tâm lý thận trọng tiếp tục gia tăng.
Mặc dù chịu áp lực bán mạnh trong phiên hôm nay nhưng chỉ số vẫn ghi nhận những điểm tích cực khi vùng hỗ trợ 705 – 735 điểm tiếp tục được giữ vững. Bên cạnh đó cây nến dạng Hammer hình thành báo hiệu khả năng chỉ số có thể hồi phục trở lại trong phiên tiếp theo. Tuy nhiên trong bối cảnh tâm lý thận trọng vẫn đang ở mức cao, kịch bản tăng điểm mạnh mẽ có thể khó xuất hiện. Thị trường dự báo sẽ hình thành dao động giằng co với biên độ 700 – 750 điểm trong những phiên tới trước khi phát đi tín hiệu về xu hướng tiếp theo.
Chúng tôi cho rằng NĐT nên tiếp tục giữ vị thế quan sát ở thời điểm hiện tại. Vùng hỗ trợ gần nhất 705 – 735 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo 650 – 685 điểm. Vùng kháng cự gần nhất 780 – 810 điểm.
Nhận định Dòng cổ phiếu nổi bật:
Nhóm Dầu khí tiếp tục chịu áp lực bán mạnh trong phiên hôm nay. Duy trì đánh giá kém hấp dẫn trong ngắn hạn.
Nhóm Ngân hàng giảm mạnh trở lại. Nhịp hồi phục không thể kéo dài cho thấy áp lực bán ra đối với nhóm này vẫn còn lớn. Khả năng hồi phục theo đó sẽ gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi cho rằng dao động giằng co có thể hình thành trong một vài phiên tới trước khi phát đi tín hiệu về xu hướng tiếp theo.
Vndirect: Áp lực bán ròng
Các chỉ số và đa phần cổ phiếu tiếp tục chịu áp lực bán mạnh và giảm sâu trong phiên giao dịch hôm nay. Áp lực chủ yếu vẫn đến từ đà giảm sâu của thị trường chứng khoán quốc tế cùng với đà bán ròng trên diện rộng với quy mô lớn của khối nhà đầu tư ngoại. Thị trường giao dịch toàn thời gian trong trạng thái giảm điểm và những nỗ lực trong phiên chiều của dòng tiền giúp chỉ số tạm giữ được vùng hỗ trợ 720 điểm. VNIndex đóng cửa ở 725,94 điểm -21,72 điểm và VN30 đóng cửa ở 679,55 điểm -21,1 điểm. Thanh khoản toàn thị trường không bao gồm giao dịch thỏa thuận đạt mức hơn 3.800 tỷ đồng trong khi KLGD tăng mạnh cho thấy hoạt động giao dịch đột biến ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và sụt giảm ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Nhóm cổ phiếu lớn hầu hết giảm điểm với áp lực giảm sâu của các cổ phiếu vốn hóa hàng đầu tạo áp lực lớn lên các chỉ số. Đà giảm được dẫn dắt bởi các cổ phiếu: VCB; VNM; SAB; GAS; BID; VHM; CTG…Trong khi đó, ở chiều tăng không có cổ phiếu vốn hóa lớn nào đủ sức đi ngược đà giảm chung để tạo hỗ trợ cho điểm số và tâm lý thị trường. Số lượng cổ phiếu giảm ở tương quan rất áp đảo với nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sâu: SAB -6,6%; VNM -6,3%; CII -6,2%; ACV -5,3%; PNJ -5,2%; BVH -4,9%; PLX -4,8%….Mức độ phân hóa ở mức rất thấp và đà tăng chỉ duy trì ở số ít cổ phiếu vốn hóa nhỏ vốn không có tính đại diện cho xu hướng của thị trường.
Khối nhà đầu tư ngoại giao dịch ở quy mô rất sôi động và khối này bán ròng lên tới hơn 460 tỷ đồng trên sàn HOSE. Áp lực bán tập trung vào các cổ phiếu như: MSN; HPG; VNM; VHM; E1VFVN30; VIC; VJC…Trong khi đó, khối này chỉ mua vào đáng kể ở chứng chỉ quỹ FUESSVFL (Quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD) với hơn 210 tỷ đồng.
Bối cảnh hiện tại vẫn rất khó khăn cho thị trường chứng khoán Việt nam khi các thị trường chứng khoán quốc tế liên tiếp chứng kiến các phiên giảm điểm kỷ lục. Trong khi đó, áp lực bán ròng mạnh từ khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp diễn. Điểm sáng duy nhất lúc này là hoạt động đăng ký mua vào cổ phiếu quỹ ở một số doanh nghiệp nhằm ổn định giá cổ phiếu. Theo quan sát của chúng tôi thì hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn và tầm trung vẫn đang chịu áp lực bán rất mạnh với nhiều cổ phiếu thiết lập mức giá thấp mới và sự cân bằng chỉ xảy ra với một vài cổ phiếu như: ACB; HCM; SSI. Theo đánh giá của chúng tôi hiện vẫn rất khó có điểm tựa nào giúp thị trường có động lực hình thành một đợt hồi phục mạnh ngay lúc này và rủi ro vẫn ở mức cao. Mặc dù vậy, khi nhìn theo tuần giao dịch chúng tôi thấy diễn biến ở tuần hiện tại cũng bớt tiêu cực hơn đáng kể so với tuần trước và ít nhất chỉ số VNindex trong các phiên gần đây đang nỗ lực thiết lập vùng hỗ trợ quanh mức 720 điểm.
BVSC: Điểm tiêu cực là dịch Covid-19 có diễn biến bất ngờ
Vn-Index dự báo sẽ tiếp tục có biến động rung lắc mạnh tại vùng 710-740 điểm trong phiên cuối tuần. Sau khi hoạt động đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 03/2020 kết thúc, thị trường có thể sẽ tiếp tục chịu biến động mạnh do hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs sẽ diễn ra trong phiên cuối tuần.
Mặc dù vậy, với việc nhiều nhóm cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán mạnh trong bối cảnh chỉ số đang dao động ở vùng hỗ trợ mạnh, giúp chúng tôi tiếp tục kỳ vọng vào khả năng thị trường sẽ sớm bước vào nhịp hồi phục tăng điểm trở lại. Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19 và áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại.
Chiến lược đầu tư:
- Duy trì trọng danh mục ở mức thấp 10-20% cổ phiếu chỉ ưu tiên nắm giữ các mã với tầm nhìn trung dài hạn.
- Nhà đầu tư cầm tiền mặt có thể xem xét thực hiện mua trading với tỷ trọng thấp tại vùng hỗ trợ 710-740 điểm, ưu tiên các vị thế có sẵn trong danh mục.