Thị trường chứng khoán 30/7: Khó hình thành xu hướng giảm mạnh
TVSI: Khó hình thành xu hướng giảm giá mạnh
VN-Index đóng cửa tại 790,84 điểm, giảm 22,52 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng mạnh về số mã giảm giá. Trong khi đó, thanh khoản đạt 4.551 tỷ, tăng nhẹ 0,71% và duy trì trên mức bình quân 20 phiên gần nhất
Thị trường liên tục xuất hiện những biến động mạnh trước ảnh hưởng của thông tin liên quan tới Covid-19. Áp lực bán gia tăng mạnh khi chỉ số tiến vào vùng kháng cự 800 – 820 điểm khiến cho rủi ro tiếp tục giảm điểm vẫn khá lớn. Tuy nhiên chúng tôi vẫn duy trì quản điểm chỉ số khó hình thành một xu hướng giảm giá mạnh.
Trong ngắn hạn, xu hướng đi ngang tiếp tục được dự báo sẽ hình thành. Vì vậy NĐT có thể tận dụng những nhịp giảm mạnh để tích lũy cổ phiếu và cơ cấu lại danh mục.
Vùng hỗ trợ 750 – 770 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo 690 – 710 điểm. Vùng kháng cự 800 – 820 điểm.
Nhận định Dòng cổ phiếu nổi bật:
Nhóm KCN ghi nhận diễn biến hồi phục về cuối phiên, trong đó một số cổ phiếu tăng mạnh cho lấy lực cầu đối với nhóm này vẫn ở mức cao. Chúng tôi đánh giá cao LHG, SZC và PHR ở thời điểm hiện tại.
Nhóm Dầu khí giảm mạnh trở lại. NĐT vẫn có thể cân nhắc tích lũy cổ phiếu GAS ở thời điểm hiện tại.
BVSC: Tiếp tục chịu áp lực giảm điểm
Về diễn biến nhóm ngành, cả 10 nhóm ngành đều giảm điểm trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Giảm mạnh nhất là nhóm cổ phiếu Dầu khí với 5,71% do GAS, PVD và PLX giảm lần lượt 6,3%, 5,2% và 4,7%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 2,10% do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ MBB (-3,99%), CTG (-3,92%) và STB (-3,79%). Nhóm cổ phiếu bất động sản giảm điểm trên diện rộng khiến chỉ số ngành giảm 2,05%.
Thị trường chứng khoán 30/7 dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm. Tuy nhiên, với tín hiệu hồi phục về cuối phiên hôm nay, thị trường có thể xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật trong nửa đầu phiên kế tiếp. Diễn biến và tình hình kiểm soát Covid-19 cùng với thông tin kết quả kinh doanh quý II sẽ là các yếu tố chính chi phối đến diễn biến thị trường trong giai đoạn hiện tại. Ngoài ra, hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư tham chiếu theo các bộ chỉ số VN30, VNDiamond, VNFinlead… có thể khiến cho thị trường và các cổ phiếu thành phần của các rổ chỉ số trên có biến động mạnh trong những phiên cuối tuần.
Chiến lược đầu tư:
- Duy trì tỷ trọng danh mục ở mức dưới 25% cổ phiếu.
- Các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tận dụng các nhịp tăng điểm của thị trường để bán giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn. - Có thể xem xét mở vị thế mua trading T+ với tỷ trọng thấp tại vùng hỗ trợ 780±5 điểm, ưu tiên các vị thế có sẵn trong danh mục.
VDSC: Dòng tiền đang là trợ lực
Với diễn biến tình hình dịch Virus Covid càng ngày càng phức tạp, tạo ra chuỗi lo lắng trên thị trường chưa chấm dứt.
VN-Index giảm 22,52 điểm (-2,77%), đóng cửa tại 790,84 điểm. Thanh khoản khá tương đồng so với phiên trước với 311 triệu cổ phiếu khớp lệnh. VN-Index nhanh chóng quay đầu sau khi chạm đường MA(100) trong phiên trước. Tuy nhiên, chỉ số vẫn đang được hỗ trợ tại vùng 780 điểm và có tín hiệu phục hồi nhẹ vào cuối phiên giao dịch.
Chỉ báo kỹ thuật MACD vẫn đang suy yếu, RSI giảm nhẹ sau phiên phục hồi. Điều này cho thấy xu hướng chung của VN-Index vẫn đang tiêu cực nhưng hiện tại đang trong nhịp hồi phục kỹ thuật với các biến động tăng giảm mạnh xen kẽ. Với tín hiệu hỗ trợ tại vùng 780 điểm, nhịp hồi phục kỹ thuật vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc và có thể sẽ còn nhịp phục hồi nhỏ với vùng cản 815 điểm.
HNX-Index giảm 1,12 điểm (-1,04%), đóng cửa tại 106,85 điểm. Thanh khoản tăng nhẹ với 52,7 triệu cổ phiếu khớp lệnh. HNX-Index đảo chiều nhanh chóng trong phiên nhưng có sự phục hồi đáng kể vào giai đoạn cuối phiên. Chỉ báo kỹ thuật MACD vẫn đang suy yếu, RSI giảm nhẹ sau phiên phục hồi. Điều này cho thấy xu hướng chung của HNX-Index vẫn đang tiêu cực nhưng hiện tại đang trong nhịp hồi phục kỹ thuật. Dự kiến chỉ số sẽ tiếp tục kiểm tra áp lực tại vùng 109-110 điểm trong thời gian gần tới.
Trong ngày đỏ lửa, khối ngoại lại tiếp tục mua ròng với con số khá tích cực +294 tỷ đồng. Sàn HOSE được khối ngoại tích cực mua ròng +287,37 tỷ và ở những cổ phiếu như KDC (+114 tỷ), FUEVFVND (+46 tỷ), VCB (+35 tỷ), FUESSVFL (+22,3 tỷ), VIC (+20,9 tỷ) … Chiếm số lượng nhỏ +1,32 tỷ đồng, sàn HNX được khối ngoại mua ròng ở những cổ phiếu như DHT (+2,8 tỷ), IDV (+0,69 tỷ), SHS (+0,42 tỷ) … Còn sàn Upcom được mua ròng nhỉnh hơn sàn HNX với số tiền là 5,37 tỷ, họ mua ở những mã như VEA (+6,0 tỷ), ACV (+1,0 tỷ), MCH (+0,29 tỷ) …
Với những thông tin tiêu cực của dịch bệnh liên tiếp được đưa ra truyền thông, đã gây ra tình trạng bi quan đối với các nhà đầu tư trên thị trường. Tuy nhiên mặt tích cực là các chỉ số chính đều vẫn nằm trên vùng hỗ trợ mạnh. Cho thấy rằng có dòng tiền đang trợ lực cho thị trường trong giai đoạn khó khăn này. Các nhà đầu tư nếu mạo hiểm có thể thăm dò mua những cổ phiếu đang giảm quá đà với mức giải ngân thấp.