Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng cực mạnh, cơ hội cho hạt gạo Việt

11/02/2022 18:01 GMT+7
Nhu cầu nhập khẩu gạo tăng cao của Trung Quốc sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam trong thời gian tới, giá gạo xuất khẩu sẽ không giảm vì nhiều khách hàng đang có nhu cầu nhập khẩu.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT, tính từ đầu năm 2022 đến nay, diện tích lúa đã thu hoạch đạt gần 400.000 ha, bằng 104,9% cùng kỳ năm trước. Sản lượng trên diện tích thu hoạch đạt 2,08 triệu tấn, năng suất bình quân đạt 5,3 tấn/ha, bằng 101% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2022 cả nước đạt khoảng 321.000 tấn với trị giá 162 triệu USD.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo Việt Nam cập nhật đến hôm nay (11/2) duy trì ổn định ở mức 393 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, 373 USD/tấn đối với gạo 25% tấm và 328 USD/tấn đối với gạo 100% tấm. Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan tiếp tục giảm 4 USD/tấn xuống còn 405 USD/tấn, Pakistan giảm 5 USD/tấn xuống còn 348 USD/tấn.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận định: Về thị trường xuất khẩu, hiện Trung Quốc đang có nhu cầu tăng nhập khẩu gạo do giá trong nước tăng mạnh và thời tiết bất lợi. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng cao sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam trong thời gian tới, giá gạo xuất khẩu sẽ không giảm vì nhiều khách hàng đang có nhu cầu nhập khẩu. Hiện các doanh nghiệp đang đẩy mạnh thu mua nguyên liệu để đàm phán hợp đồng xuất khẩu gạo.

Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng cực mạnh, cơ hội cho hạt gạo Việt - Ảnh 1.

Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng cực mạnh, cơ hội cho hạt gạo Việt.

Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc năm 2021 tăng mạnh 30,6% về lượng, tăng 12,9% về kim ngạch nhưng giảm 13,6% về giá so với năm 2020, đạt 1,06 triệu tấn, tương đương 522,72 triệu USD, giá trung bình 493,7 USD/tấn; chiếm 17% trong tổng lượng và chiếm 15,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Năm 2021 xuất khẩu gạo giảm nhẹ 0,2% về khối lượng nhưng tăng 5,3% kim ngạch, tăng 5,5% về giá so với năm 2020. Cụ thể, cả nước xuất khẩu 6,24 triệu tấn gạo, thu về gần 3,29 tỷ USD, giá trung bình đạt 526,8 USD/tấn.

Giá lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay 11/2 nhìn chung ổn định.

Giá gạo IR NL 504 ở mức 7.700-7.750 đồng/kg; Gạo TP IR ở mức 8.550- 8.600 đồng/kg; tấm 1 IR 7.400 đồng/kg và cám vàng 7.400 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá gạo Jasmine thơm giảm 100 đồng/kg xuống 14.000-15.000 đồng/kg. Các loại lúa gạo khác ổn định. Cụ thể, lúa Đài thơm tám từ 5.900 - 6.000 đồng/kg, OM 18 là 5.900 đồng/kg, Nàng hoa từ 5.900 - 6.000 đồng/kg…; lúa OM 5451 từ 5.300 - 5.500 đồng/kg và IR 50404 ở mức 5.200 - 5.400 đồng/kg. Giá gạo thường 11.000- 12.000 đồng/kg; gạo nàng nhen 20.000 đồng/kg; gạo hương lài 19.000 đồng/kg; gạo nàng hoa 17.500 đồng/kg.

Theo các thương lái, hiện lượng gạo nguyên liệu khá ổn định, các kho cung ứng thu mua nhiều hơn. Giá lúa các loại có sự chênh lệch nhẹ từ 100 – 200 đồng/kg tùy vào chất lượng. Hiện các thương lái đang đẩy mạnh thu mua lúa. Giao dịch tấm sôi động, trong khi nếp các loại chậm hơn, giá nếp đi ngang. Lúa non đa phần chưa có giao dịch. Với chủng gạo ST, nhu cầu hỏi mua nhiều, song nguồn cung còn ít, giá lúa tươi ổn định.

Về thị trường xuất khẩu, hiện các thị trường tiêu thụ gạo truyền thống của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Mỹ, châu Phi, Hàn Quốc... nhu cầu nhập khẩu gạo bắt đầu cao. Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo sang châu Âu dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay nhờ Hiệp định thương mại tự do (EVFTA). Đây là cơ hội lớn cho ngành gạo Việt Nam.

Giá gạo xuất khẩu trong tháng 1/2022 đã tăng mạnh ở Ấn Độ và Thái Lan chủ yếu do tỷ giá nội tệ tăng so với USD, trong khi nhu cầu từ khách hàng nước ngoài không ổn định. Riêng ở Ấn Độ, tình trạng thiếu toa tàu chở hàng đẩy cước phí vận chuyển đội lên gấp đôi. Tại Việt Nam, giá gạo gần như không thay đổi song khá tốt. 

Nguồn cung gạo của các nước xuất khẩu chủ chốt trên thế giới tháng 1/2022 ở mức thấp, trong khi hoạt động giao dịch thưa thớt vì đang mùa lễ hội. Sang tháng 2 này, nhu cầu gạo bắt đầu tăng lên và sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Nhu cầu nhập khẩu gạo vào Trung Quốc năm 2021 cao nhất trong vòng vài năm gần đây và dự  kiến tiếp tục cao trong năm 2022, nhất là đối với gạo tấm. Cơ cấu thị trường cung cấp gạo cho Trung Quốc có sự chuyển dịch mạnh mẽ, từ các nước láng giềng sang những nước xa hơn về mặt địa lý, như Ấn Độ, vì nhiều lý do khác nhau. Tỷ lệ gạo tấm nhập khẩu vào Trung Quốc năm 2021 lên tới 52%, tăng mạnh so với khoảng 30% của năm 2020. 

Dự báo giá gạo tháng 2/2022 sẽ duy trì vững. Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tháng 2 sẽ tăng cao hơn tháng 1.

Trung Quốc mỗi năm chi hàng tỷ USD để nhập khẩu gạo, phần lớn nhập khẩu từ ASEAN (chủ yếu là Việt Nam và Thái Lan). Nhờ vào nhu cầu lớn và vị trí địa lý gần gũi, thêm vào đó các nước ASEAN có lợi thế đáng kể về thuế, nên thuận lợi xuất khẩu sang thị trường này. Trung Quốc ở một mặt khác đóng vai trò là nước sản xuất gạo, nên nước này đưa mặt hàng gạo vào danh mục không ưu đãi, mức thuế phổ biến với các nước khác có thể lên tới 65% hoặc cao hơn nhưng nhờ Hiệp định tự do thương mại ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), các nước ASEAN trong đó có Việt Nam hưởng mức thuế 31% hoặc thấp hơn, tùy nhu cầu nhập.

Một lợi thế nữa cho Việt Nam là thị trường Trung Quốc ưa thích các loại gạo trắng, gạo nếp…hơn các loại gạo của basmati của các nước xuất khẩu gạo lớn khác như Ấn Độ, Pakistan… Tuy nhiên, cạnh tranh với các nước cùng khu vực như Thái Lan, Campuchia cùng một số nước bắt đầu gia nhập thị trường xuất khẩu gạo là Myanmar và Lào là rất gay gắt.

Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc nổi lên là thị trường nhập khẩu gạo lớn. Lượng dự trữ lớn nhất toàn thế giới. Nhiều chuyên gia dự báo năm 2022, xuất khẩu gạo của ta có nhiều biến chuyển tích cực nhờ thương hiệu gạo, các doanh nghiệp cũng đã đầu tư vào các loại gạo cao cấp, giá trị gia tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu vào sâu trong các thành phố lớn của Trung Quốc. Mặc dù vậy, vẫn còn đó rất nhiều khó khăn khi Trung Quốc ngày càng siết chặt chính sách quản lý nhập khẩu, vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó có thể thấy được sự kiên quyết và chặt chẽ trong quản lý của Trung Quốc và buộc các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc phải kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm.






Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục