Thị trường gạo sẽ còn bấp bênh, giá vững kéo dài ở mức cao
Giá lúa gạo hôm nay 1/10: Giá lúa gạo đi ngang phiên cuối tuần
Giá lúa gạo hôm nay 1/10 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định trong phiên cuối tuần. Cụ thể, nếp khô An Giang đang được thương lái thu mua ở mức 8.600 – 8.800 đồng/kg; nếp Long An khô 8.500 – 8.800 đồng/kg; lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 5.500 -5.700 đồng/kg; lúa IR 504 5.300 – 5.500 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 5.600 – 5.800 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; nếp An Giang (tươi) 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp Long An (tươi) 6.200 – 6.500 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm chững lại sau phiên điều chỉnh tăng. Hiện giá gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 8.700 đồng/kg; gạo thành phẩm duy trì ổn định ở mức 9.300 đồng/kg. Tương tự mặt hàng phụ phẩm cũng duy trì ổn định. Hiện giá tấm ở mức 9.100 đồng/kg; giá cám khô 8.250 – 8.300 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ổn định sau phiên điều chỉnh tăng. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 423 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 403 USD/tấn.
Trước đó, ngày 8/9, Chính phủ Ấn Độ thông báo lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với xuất khẩu một số loại gạo từ ngày 9/9, trong nỗ lực tăng nguồn cung và hạ giá gạo trong nước sau khi lượng mưa dưới mức trung bình ảnh hưởng tới mùa màng. Các lệnh cấm và việc áp thuế mới này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 60% lượng gạo xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ đã tăng theo cấp số nhân trong 4 năm qua. Năm 2019, loại gạo này chỉ chiếm dưới 2% lượng xuất khẩu, nhưng đến năm 2022, tỷ lệ này đã tăng lên đến 23%.
Trong bối cảnh nhu cầu thế giới đang tăng thì sự thất thường của thời tiết ở Ấn Độ đã khiến mùa màng trở nên bấp bênh. Các vùng sản xuất chính (Uttar Pradesh, Tây Bengal và Bihar) của Ấn Độ đã giảm đến 13% diện tích canh tác lúa gạo.
Thực tế cho thấy giá gạo tấm của Ấn Độ đã tăng 38% trong năm 2022 do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 8/2022. Ấn Độ chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu và cạnh tranh với Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ chạm mức kỷ lục 21,5 triệu tấn trong năm 2021, nhiều hơn tổng mức xuất khẩu của bốn nước xuất khẩu gạo lớn xếp sau nước này là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ.
Ấn Độ xuất khẩu gạo sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do vậy bất kỳ động thái cắt giảm nào từ nước này sẽ làm tăng áp lực lên giá lương thực toàn cầu vốn đã tăng vì hạn hán và cuộc xung đột Nga-Ukraine. Việc áp thuế mới có thể sẽ đẩy người mua rời xa gạo Ấn Độ để chuyển hướng sang các đối thủ như Thái Lan và Việt Nam, những quốc gia đang phải tích cực tăng lượng gạo xuất khẩu.
Các chuyên gia lo ngại việc nguồn cung gạo sụt giảm, kết hợp với nhu cầu thế giới đã đạt đến ngưỡng kỷ lục, sẽ thúc đẩy giá cả leo thang dẫn đến lạm phát lương thực. Ngay sau lệnh cấm của Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tăng từ 379- 387 USD/tấn lên 385- 392 USD/tấn. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng từ 390-393 USD/tấn lên 400- 410 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng từ 416-420 USD/tấn lên 425-435 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn dư địa tiếp tục tăng
Thống kê mới nhất từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 15/9, xuất khẩu gạo của nước ta đã đạt 5,02 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,44 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với một số loại gạo khác của Ấn Độ được cho là sẽ ảnh hưởng đến một số nhà nhập khẩu gạo từ nước này, trong đó có Việt Nam - khách hàng mua gạo tấm lớn thứ ba của Ấn Độ.
Việt Nam chủ trương giảm diện tích lúa chất lượng thấp và trung bình, tăng diện tích lúa thơm, lúa chất lượng cao nên phân khúc gạo, tấm phục vụ chế biến đang thiếu.
Do đó dù là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới nhưng từ năm 2021 trở lại đây Việt Nam đã nhập khẩu một lượng lớn gạo tấm từ Ấn Độ.
Sau lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, đến thời điểm này mặt bằng giá gạo của VN tăng khoảng 40 - 50 USD/tấn. Tuy nhiên, những ngày gần đây thị trường dần ổn định trở lại khi Ấn Độ có nhiều nới lỏng về chính sách xuất khẩu gạo.
Các nhà nhập khẩu trên thế giới cũng không còn tích cực đàm phán hợp đồng như trước. Bên cạnh đó, chính phủ Philippines cũng chưa cấp quota mới. “Vì mức giá gạo bình quân trên thế giới hiện nay là khá cao nên khó tiêu thụ.
Trong khi đó, Việt Nam cũng còn sản lượng hạn chế và đang vào cao điểm mùa mưa bão ở miền Trung; miền Tây thì mùa nước nổi đang về với mực nước khá nên ít nhiều ảnh hưởng đến lịch xuống giống vụ đông xuân. Vì những lẽ đó nên thị trường gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ ít có biến động nhưng vẫn duy trì mức giá tương đối khá như hiện nay.
Giá gạo xuất khẩu từ Thái Lan tăng trong tuần này, nhờ nhu cầu từ Trung Đông và Nam Á, trong khi giá đối với mặt hàng chủ lực từ nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ giảm do đồng rupee yếu hơn.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 422- 435 USD/tấn từ 420- 435 USD/tấn của tuần trước.
Có nhu cầu mới từ Bangladesh là 200.000-300.000 tấn và giao hàng cho Iraq với gạo Thái Lan khiến cho giá cả tốt lên. Chưa kể nhu cầu gạo Thái từ Iran, nhưng chỉ một số công ty Thái Lan tham gia yêu cầu về thực hành sản xuất hàng hóa (GMP) để phục vụ thị trường này.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tuần này được báo giá ở mức 376 - 384 USD /tấn, giảm từ mức 385 - 392 USD/tấn vào tuần trước, trong bối cảnh đồng rupee lao dốc và kỳ vọng sẽ có thêm nguồn cung sau quyết định gia hạn chương trình lương thực miễn phí của chính phủ cho người nghèo.
Trong khi đó, những hạn chế gần đây của Ấn Độ đối với xuất khẩu gạo dường như thúc đẩy kỳ vọng về nhu cầu nhiều hơn từ các trung tâm khác như Việt Nam.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 420- 425 USD/tấn từ 400- 410 USD/tấn của tuần trước, các thương nhân cho rằng mức tăng giá do vào cuối vụ thu hoạch Hè Thu. Tuy nhiên, dù giá cao hơn nhưng không có nhiều giao dịch mới được ký kết trong thời gian gần đây do người mua vẫn theo dõi trong khi người bán vẫn chờ đợi giá tăng thêm.
Dữ liệu vận chuyển cho biết 37.400 tấn gạo sẽ được cập cảng thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1/10 đến 9/10, trong đó phần lớn giao đến Philippines và Bangladesh.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, nhìn chung, bức tranh cung cầu của thị trường gạo đang thiên về một xu hướng tăng trong giai đoạn quý IV/2022 và đầu năm 2023. Thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á, nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu, đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt đáng báo động.
Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu, trong khi Trung Quốc dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 6 triệu tấn gạo trong năm tới sẽ là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Do là loại lương thực thiết yếu, nên nhu cầu sử dụng gạo sẽ không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế như những mặt hàng khác. Trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm, nhu cầu ổn định, giá gạo thế giới và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn dư địa tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo kế hoạch năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt khoảng 6,3 đến 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 đến 200.000 tấn so với năm 2021. Dự kiến, 4 tháng còn lại của năm 2022, xuất khẩu khoảng 1,5 đến 1,7 triệu tấn. Nếu không có các yếu tố bất lợi mới, khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 sẽ đạt và vượt kế hoạch...
Nhận định về giá gạo trong thời gian tới, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng giá gạo chỉ nhích lên chút đỉnh chứ không thể tăng đột biến.
Do giá gạo mang tính chất chung của cả thế giới. Ước tính, giá gạo trắng xuất khẩu có thể vượt mức 400 USD/tấn, từ mức 350 USD/tấn hiện nay. Ấn Độ đang bán 350 USD/tấn, giờ cộng thêm 20% thuế là khoảng 70 USD thì giá sẽ dao động ở mức 420 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã ở mức 410 - 420 USD/tấn...
Giá gạo có thể tăng lên nhưng tăng không nhiều và mức tăng cũng không tương xứng. Hai năm nay, phân bón tăng, xăng dầu tăng nên chi phí đầu vào trong sản xuất của nông dân khá cao.