Thỏa thuận Mỹ Trung vừa ký có 50% nguy cơ đổ vỡ ngay năm nay?
Richard Martin, CEO công ty tư vấn quản lý IMA Asia nhận định có 2 lý do thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 có thể sụp đổ trong khoảng 2 năm sau ngày ký kết: lịch sử ít thành công của những lần đàm phán thương mại trước đó và nội dung các điều khoản thỏa thuận vừa ký kết.
Cụ thể, nhà tư vấn thị trường nhận định có tới 50% thỏa thuận sụp đổ trong năm đầu tiên và 75% thỏa thuận sụp đổ trong năm thứ hai của đàm phán thương mại tính từ thời điểm ký kết. “Nếu có tranh chấp nảy sinh giữa hai bên, thỏa thuận cho phép Đại diện Thương mại Mỹ (hiện là Robert Lighthizer) đưa ra bất kỳ trừng phạt nào với Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc có thể từ bỏ thỏa thuận giai đoạn 1”.
Do đó, theo ông Martin, nếu có bất kỳ xung đột nào nảy sinh, nó cũng dễ dàng dẫn đến sự kết thúc của thỏa thuận thương mại Mỹ Trung giai đoạn 1 mà cả Mỹ và Trung Quốc đã đàm phán trong nhiều tháng trời ròng rã.
Một nội dung khác của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đề cập tới việc Trung Quốc cam kết tăng cường mua 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm tiếp theo. Nhiều nhà phân tích đã ngờ vực vì tính khả thi của cam kết, đặt câu hỏi liệu đó có phải một mục tiêu thực tế hay không. Bởi theo thỏa thuận này, Bắc Kinh có nguy cơ phải tăng gấp đôi kim ngạch nhập khẩu một số sản phẩm, đặc biệt là nông sản.
Cơ cấu chi tiết trong kim ngạch nhập khẩu tăng cường 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ như sau:
Hàng hóa sản xuất: 32,9 tỷ USD năm 2020, 44,8 tỷ USD năm 2021.
Nông sản: 12,5 tỷ USD năm 2020, 19,5 tỷ USD năm 2021.
Năng lượng: 18,5 tỷ USD năm 2020, 33,9 tỷ USD năm 2021.
Dịch vụ: 12,8 tỷ USD năm 2020, 25,1 tỷ USD năm 2021.
Dù vậy, ông Martin vẫn thừa nhận thỏa thuận giai đoạn 1 đã làm mờ đi một số bất ổn rõ rệt trong nền kinh tế toàn cầu, qua đó cho phép các công ty đẩy mạnh hoạt động thương mại vốn đã bị ngừng trệ trong hơn một năm qua do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ Trung.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đạt mức đỉnh kỷ lục mới sau thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Washington, dù rằng các quan chức thương mại nhấn mạnh rằng thỏa thuận giai đoạn 2 sẽ là một quá trình khó khăn và có thể bị đẩy lùi đến sau bầu cử Tổng thống năm 2020.
“Nhiều doanh nghiệp đã tạm dừng các quyết định tìm nhà cung ứng trong năm 2019 khi họ không biết các lệnh trừng phạt thuế quan rồi sẽ đi về đây. Nhưng giờ đây, họ sẽ tiếp tục các quyết sách của mình” - ông Martin nhận định.
“Tuy nhiên, trong dài hạn, rất nhiều khách hàng của chúng tôi không cho rằng thỏa thuận thương mại sẽ được thực hiện như cam kết”.