Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka từ chức giữa khủng hoảng ngoại hối trầm trọng

11/09/2021 10:40 GMT+7
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka Weligamage Don Lakshman tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 14/9 tới trong bối cảnh quốc gia này đối mặt với cuộc khủng hoảng ngoại hối ngày một sâu sắc.

Tuyên bố từ chức được Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka Weligamage Don Lakshman đưa ra trong một cuộc họp ngắn vào hôm 10/9 khi quốc đảo Nam Á đối mặt với tình trạng cạn kiệt dự trữ ngoại hối, nợ nần chồng chất và hệ quả kinh tế to lớn khi số ca nhiễm mới Covid-19 tăng lên mức kỷ lục gần 6.000 ca mỗi ngày vào cuối tháng trước. Hiện ông Weligamage Don Lakshman chưa tiết lộ ai sẽ thay thế ông đảm nhiệm cương vị quan trọng này.

“Tôi chưa từng đưa ra bất kỳ quyết định nào trái với lương tâm của mình” - Thống đốc Weligamage Don Lakshman khẳng định. “Tôi tuân theo hệ tư tưởng kinh tế chính trị mà tôi đã, đang và sẽ tiếp tục tin là đúng đắn”.

Đại dịch đã tạo ra một “thời kỳ gián đoạn bất thường” đối với nền kinh tế và ngân hàng trung ương Sri Lanka khi Ngân hàng này phải cung cấp một nguồn lực tài chính lớn cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nguồn cung tiền quá mức đã buộc ngân hàng này tăng lãi suất bất ngờ vào tháng trước. Cơ quan quản lý tiền tệ quốc gia lý giải lãi suất thấp đã gián tiếp dẫn đến thâm hụt thương mại ngày càng lớn, do đó hành động tăng lãi suất nhằm ngăn chặn áp lực lạm phát quá mức.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka từ chức giữa khủng hoảng ngoại hối trầm trọng - Ảnh 1.

Dự trữ ngoại hối của Sri Lanka đã giảm xuống 2,8 tỷ USD vào tháng 7 sau khi nước này trả khoản nợ 1 tỷ USD đến hạn (Ảnh: Bloomberg)

Dự trữ ngoại hối của Sri Lanka đã giảm xuống 2,8 tỷ USD vào tháng 7 sau khi nước này trả khoản nợ 1 tỷ USD đến hạn. Điều này đã kéo mức ngoại hối dành cho nhập khẩu xuống chỉ còn đủ trong khoảng 1,8 tháng, thấp hơn nhiều mức tối thiểu kỳ vọng là 3 tháng. Sức ép cũng trở nên lớn hơn khi cuộc khủng hoảng đại dịch kéo dài làm giảm mạnh nguồn thu ngoại hối từ du lịch, vốn là nguồn đóng góp quan trọng vào dự trữ ngoại hối của đất nước.

S&P Global gần đây đã hạ cấp triển vọng tài chính của Sri Lanka xuống lãnh thổ tiêu cực. Động thái hạ cấp này đặt ra hàng loạt nghi ngờ về khả năng chi trả của đất nước với khoản nợ 1,5 tỷ USD sắp đáo hạn vào năm 2022. 

Có nhiều đồn đoán rằng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa có thể tái bổ nhiệm cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Ajith Nivard Cabraal để điều hành cơ quan tiền tệ quốc gia vượt qua cuộc khủng hoảng. 

Hiện tại, ngân hàng trung ương đã tiến hành hàng loạt động thái để hạn chế lượng ngoại tệ chảy ra ngoài đất nước, đồng thời thắt chặt hoạt động nhập khẩu như không khuyến khích các mặt hàng không thiết yếu bao gồm sôcôla, sản phẩm sữa, rượu vang, mỹ phẩm, quần áo và đồ điện tử.

Trước đó, hồi cuối tháng 8, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia theo sắc lệnh an ninh công cộng nhằm duy trì nguồn cung các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như đường, gạo với mức giá hợp lý trong bối cảnh lạm phát tăng vọt, nội tệ mất giá do khủng hoảng ngoại hối. 

Chính phủ đảo quốc Nam Á này đã bổ nhiệm một cựu tướng quân đội phụ trách các dịch vụ thiết yếu để quản lý nguồn cung lương thực cũng như bình ổn giá các mặt hàng nhu yếu phẩm. Quan chức được ủy quyền có thể thực hiện các động thái cung cấp thực phẩm thiết yếu với giá phải chăng cho công chúng thông qua việc mua dự trữ các mặt hàng như thóc, gạo, đường”.

Lạm phát tháng 8 tại đảo quốc này đã tăng lên mức 6%, tăng mạnh hơn mức 5,7% được ghi nhận vào tháng 7, chủ yếu được thúc đẩy bởi lạm phát giá thực phẩm. Là quốc gia nhập khẩu ròng thực phẩm và nhiều mặt hàng thiết yếu, tỷ giá ngoại tệ tăng do khủng hoảng ngoại hối là một trong những nguyên nhân khiến giá các mặt hàng thiết yếu tăng vọt tại Sri Lanka trong khoảng 12 tháng qua.


NTTD
Cùng chuyên mục