Thống đốc NHNN “bật đèn xanh” tăng vốn điều lệ cho TPBank

09/11/2020 14:06 GMT+7
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có công văn chấp thuận việc TPBank tăng vốn điều lệ từ 8.565 tỷ đồng lên 10.716 tỷ đồng theo phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Đây là phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị TPBank đã thông qua trong tháng 10/2020.

"Bật đèn xanh" tăng vốn điều lệ cho TPBank

Việc tăng vốn điều lệ này sẽ giúp TPBank tăng hệ số an toàn vốn CAR, nâng cao năng lực tài chính, đặc biệt khi TPBank đã hoàn thiện và áp dụng cả 3 trụ cột theo chuẩn Basel II.

Tính đến cuối tháng 9/2020, hệ số CAR của TPBank đạt 11,4% tính theo tiêu chuẩn Basel II, cao hơn nhiều so với mức 8% theo quy định của NHNN. Tăng vốn cũng sẽ giúp TPBank gia tăng được nguồn vốn trung dài hạn, tạo điều kiện để ngân hàng đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới hoạt động và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng ở những năm tiếp theo.

Thống đốc NHNN “bật đèn xanh” tăng vốn điều lệ cho TPBank - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có công văn chấp thuận việc TPBank tăng vốn điều lệ từ 8.565 tỷ lên 10.716 tỷ đồng

Theo TPBank, việc tăng vốn của TPBank được chia thành hai đợt.

Trong đợt 1, TPBank sẽ tăng vốn điều lệ thêm hơn 1.811 tỷ đồng thông qua phát hành thêm hơn 181 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Trong đó, ngân hàng phát hành hơn 163 triệu cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%. Đồng thời, phát hành gần 18 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương với tỷ lệ chia 2,18%.

Đợt 2, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm gần 340 tỷ đồng thông qua phát hành khoảng 34 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương ứng tỷ lệ phát hành là 4,16%.

Số cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng tối đa trong vòng 2 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. HĐQT có quyền quyết định nới lỏng thời gian hạn chế chuyển nhượng tùy thuộc vào chính sách nhân sự nhưng không được sớm hơn 9 tháng kể từ khi kết thúc đợt phát hành.

Tốc độ tăng nợ xấu cao gấp hơn 2 lần tốc độ tăng lợi nhuận

Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước và sau thuế của TPBank tăng 26% so cùng kỳ, ghi nhận lần lượt là gần 3.023 tỷ đồng và gần 2.420 tỷ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2020 là hơn 4.000 tỷ đồng, TPBank đã thực hiện được 74% kế hoạch sau 9 tháng.

Tổng tài sản của TPBank tăng 18% so với đầu năm, các khoản phải thu giảm 16%, trong khi các khoản lãi, phí phải thu tăng 39%, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng 14%, cho vay khách hàng tăng 15% so với đầu năm, lên mức hơn 110.340 tỷ đồng.

Về chất lượng tín dụng, tính đến ngày 30/09/2020, tổng nợ xấu của TPBank tăng đến 60% so với đầu năm, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của TPBank tăng từ mức 1,28% đầu năm lên 1,78%.

Thống đốc NHNN “bật đèn xanh” tăng vốn điều lệ cho TPBank - Ảnh 2.

Nợ xấu của TPBank tăng vọt trong 9 tháng đầu năm 2020

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 76% lên hơn 846 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 82% lên hơn 555 tỷ đồng, trong khi nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 27% lên hơn 569 tỷ đồng.

Trước đó, ông Nguyễn Hưng - CEO TPBank từng nhấn mạnh, dịch Covid-19 ảnh hưởng lợi nhuận ngân hàng theo nhiều hướng, nợ xấu chắc chắn tăng và ngân hàng cố gắng giữ tỷ lệ càng thấp càng tốt.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục