Thu hút FDI của Bình Dương: Kỳ 1 - Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Thu hút đầu tư nước ngoài tăng so với cùng kỳ
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, trong 5 tháng đầu năm 2021 thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh vẫn đạt những kết quả khả quan.
Cụ thể, từ đầu năm 2021 đến ngày 15/5/2021, Bình Dương đã thu hút 1 tỷ 252 triệu đô la Mỹ vốn FDI, bằng 159% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, 27 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, bằng 52% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt gần 289 triệu đô la Mỹ, bằng 109% so với cùng kỳ năm 2020; 13 lượt dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư, bằng 27% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 776 triệu đô la Mỹ, bằng 335% so với cùng kỳ; 51 lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, bằng 24% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp đạt trên 186 triệu đô la Mỹ, bằng 64% so với cùng kỳ.
Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 1 tỷ 163 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài, bằng 198% so với cùng kỳ, chiếm 92,9% tổng vốn đầu tư đăng ký toàn tỉnh. Bên ngoài các khu công nghiệp thu hút 88,7 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 7,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đạt 964 triệu đô la Mỹ, chiếm 77% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn 229,4 triệu đô la Mỹ, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, vận tải, xây dựng.
Có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Bình Dương. Trong đó Đài Loan đứng đầu với tổng vốn đầu tư là 640,8 triệu đô la Mỹ, chiếm 53,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 244,7 triệu đô la Mỹ, chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư, Samoa đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư là 101 triệu đô la Mỹ, chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông,quần đảo Virgin thuộc Anh (B.V.I), Hàn Quốc...
Một số dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh có vốn đầu tư đăng ký lớn như: Dự án sản xuất sản phẩm màn hình vô tuyến và màn hình của Công ty TNHH Công nghiệp New Motion (Singapore), vốn đầu tư 185 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Phú Tân; Dự án Trung tâm Logistics ECPVN Bình Dương 2 của Công ty Emergent Việt Nam Logisticc Development Pte (Singapore), vốn đầu tư 34,4 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B; Dự án sản xuất sợi tổng hợp của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam), vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 610 triệu đô la Mỹ, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 1 tỷ 370 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Bàu Bàng; Dự án Nhà máy sản xuất Giấy của Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper, vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 100 triệu đô la Mỹ, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 1 tỷ 100 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Quốc tế Protrade; Dự án Nhà máy sản xuất dao cạo râu của Công ty TNHH Procter & Gamble Đông Dương, vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 44,8 triệu đô la Mỹ, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 247,8 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Đồng An.
Lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội) với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 36,5 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 9% tổng vốn đầu tư cả nước.
Giải pháp sáng tạo
Trong bối cảnh xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đồng thời với tác động của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang có xu hướng tái cơ cấu chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nhằm đa phương hóa, đa dạng hóa đầu tư để tránh phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác và tìm kiếm các địa điểm đầu tư mới an toàn và hiệu quả hơn. Nắm bắt cơ hội trên, trong những tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán các nước tại TP.Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Becamex IDC tổ chức các Hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư với các quốc gia như Nhật Bản, Bỉ, Ý, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... với sự tham dự đông đảo của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn các nước.
Theo đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Osaka, hiện có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến Việt Nam, đặc biệt là môi trường đầu tư của tỉnh Bình Dương và xem Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng là điểm đến an toàn, nhất là sau những nỗ lực chống dịch quyết liệt và những kết quả được cả thế giới ghi nhận thời gian qua.
Với cách làm mới, phù hợp với tình hình thực tế, hội nghị đã cung cấp những thông tin mới nhất về môi trường đầu tư kinh doanh của Bình Dương trong bối cảnh Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được đại dịch Covid- 19 và hàng loạt các chính sách mới được ban hành như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật PPP, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và Hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVIPA) theo hướng tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Đồng thời cung cấp những thông tin về môi trường đầu tư, các chính sách thuế về đất đai, nguồn lao động, năng lượng, chế độ, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh; các lĩnh vực cần thu hút đầu tư… để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài mới và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến đầu tư, kinh doanh thành công tại Bình Dương.
Tại các Hội nghị xúc tiến đầu tư, lãnh đạo UBND tỉnh đã nhấn mạnh vị thế ngày càng tăng của Bình Dương trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt khi Bình Dương trở thành thành viên của các tổ chức uy tín trên thế giới; là địa phương duy nhất của Việt Nam 03 lần liên tiếp được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) bình chọn là một trong 21 đô thị, vùng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới và khẳng định Bình Dương vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Ông Sunan Angubolkul – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Thái Lan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan – Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Thái Lan nói riêng đầu tư tại Bình Dương gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và chính quyền tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp đã nhanh chóng phục hồi sản xuất, vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
"Trong thời gian qua, Bình Dương đã luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tỉnh không ngừng thực hiện cải cách thủ tục hành chính; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại phục vụ doanh nghiệp đầu tư tại Bình Dương. Tôi đánh giá rất cao sự sáng tạo của chính quyền tỉnh Bình Dương khi tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tuyến. Tôi tin tưởng, với xu hướng dịch chuyển đầu tư trong thời gian tới, Việt Nam có lợi thế rất lớn vì Việt Nam luôn chú trọng đến môi trường đầu tư của các doanh nghiệp. Nếu thay đổi môi trường đầu tư, tôi nghĩ các nhà đầu tư trên thế giới sẽ ưu tiên lựa chọn Việt Nam, trong đó có tỉnh Bình Dương để đầu tư" – ông Sunan Angubolkul khẳng định.
Kỳ 2: Chiến lược thu hút đầu tư trong kỷ nguyên kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0