Thủ tướng yêu cầu NH không làm khó việc cấp vốn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau buổi thị sát công trình dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và một số dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện dự án Trung Lương - Mỹ Thuận đã đạt 27% khối lượng thi công. Theo yêu cầu của Chính phủ, dự án phải thông tuyến vào cuối năm 2020 và khánh thành vào ngày 30/4/2021.
Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng, an toàn lao động và giữ gìn vệ sinh môi trường. UBND tỉnh Tiền Giang định kỳ hàng tuần tổ chức họp giao ban, đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thi công.
Trong thời gian qua, nguồn vốn thực hiện dự án đang là trở ngại lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ. Vừa qua, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cam kết tăng vốn của nhà đầu tư từ 2.500 tỷ đồng lên 3.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cho rằng ngân hàng tài trợ vốn đưa ra một số điều kiện nằm ngoài khả năng đáp ứng khiến việc ký kết hợp đồng kéo dài.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại sớm đàm phán để ký lại hợp đồng tín dụng, sớm giải ngân nguồn vốn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dự án đẩy nhanh tiến độ thi công. Đồng thời, các ngân hàng thương mại không được đặt thêm các điều kiện khác với quy định của pháp luật, gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đánh giá là tuyến giao thông huyết mạch, đóng vai trò làm đòn bẩy cho sự cất cánh về kinh tế - xã hội cho 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gia tăng kết nối với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A.
Dự án được thực hiện theo hình thức BOT, dài 51,1 km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, nối với cao tốc TP.HCM – Trung Lương, điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Dự án này có quy mô 4 làn xe cao tốc rộng 3,5 m/làn và dãy phân cách giữa, tổng mức đầu tư 9.669 tỷ.
Dự án được khởi công lần đầu tháng 11/2009. Sau thời gian tạm ngưng, dự án tái khởi động đầu năm 2015. Tuy nhiên, sau đó dự án lại gặp khó khăn liên quan đến phương án tài chính.
Tháng 3/2019 Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với dự án từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang.
Liên quan dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải triển khai các thủ tục điều chỉnh, tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, bảo đảm khởi công trong quý I/2020.
Trước đó, Thủ tướng cũng đã đồng ý bố trí 932 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách Trung ương năm 2020 cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào ngày 27/9.
Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, Bộ Giao thông vận tải cần sớm triển khai các thủ tục đầu tư hạng mục cầu chính, bảo đảm khởi công trong quý I/2020.
Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu đầu tư tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2026 và các dự án hạ tầng giao thông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo quy hoạch được phê duyệt.