EU tăng tần suất kiểm tra thực tế một số mặt hàng rau quả nhập khẩu từ Việt Nam

09/11/2021 21:12 GMT+7
EU đã ra thông báo về việc sẽ tăng tần suất kiểm tra thực tế một số mặt hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu vào EU, để phân tích tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, ngày 3/11, Uỷ ban châu Âu đã đăng công báo Quy định số 2021/1900, ban hành ngày 27/10/2021, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.

EU tăng tần suất kiểm tra thực tế một số mặt hàng rau quả nhập khẩu từ Việt Nam - Ảnh 1.

EU tăng tần suất kiểm tra thực tế một số mặt hàng rau quả nhập khẩu từ Việt Nam. Ảnh CT

Theo đó, đối với Việt Nam, tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với các loại rau thơm và hoa quả như sau:

- Rau mùi: 72%

- Húng quế: 20%

- Bạc Hà: 30%

- Rau thơm: 40%

- Đậu bắp: 20- 30%

- Hạt tiêu: 20%

- Thanh long: 10%.

Quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 15/11/2021.

Theo định kỳ, cứ 06 tháng một lần, Ủy ban châu Âu sẽ xem xét các danh sách thực phẩm và thức ăn chăn nuôi không có nguồn gốc động vật từ một số nước thứ ba chịu sự tăng cường tạm thời của biện pháp kiểm soát chính thức tại các chốt kiểm soát biên giới để đảm bảo an toàn thực phẩm.

EU tăng tần suất kiểm tra thực tế một số mặt hàng rau quả nhập khẩu từ Việt Nam - Ảnh 2.

Tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với mặt hàng thanh long là 10%. Ảnh: NNVN

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, EU là thị trường xuất khẩu lớn với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao. Trong khi đó, quá trình sản xuất, đặc biệt là bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông sản nói chung, mặt hàng rau quả nói riêng của Việt Nam còn nhiều bất cập. Hệ thống sản xuất vẫn tương đối manh mún, khó kiểm soát, chưa đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra.

Để khắc phục, Việt Nam cần đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất bài bản, đồng bộ từ khâu đầu tới khâu cuối, đặc biệt là nhấn mạnh vào khâu xử lý sau thu hoạch được coi là giải pháp trọng tâm.

Muốn đảm bảo sự phát triển bền vững ngành rau quả, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, mấu chốt là phải chủ động kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu, rau quả phải được tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng.

Hiện sản xuất rau quả của Việt Nam áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap đã làm tương đối tốt ở khâu gieo trồng, sản xuất, song công tác xử lý sau thu hoạch chưa thật tốt. Vì vậy, khi đầu tư sản xuất theo chuỗi, việc tăng cường đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khâu xử lý sau thu hoạch là điều rất quan trọng để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu.

Xuất khẩu rau quả Việt Nam sang EU có nhiều tiến triển tích cực, tăng trưởng bình quân hàng năm gần 20%. Tính riêng 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả, trái cây của nước ta sang EU đạt 88,5 triệu USD.

Các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam gồm xoài, chanh leo, nhãn, vải, măng cụt, mít, ổi, rau gia vị, khoai lang… Tuy nhiên, hiện kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào EU hiện mới chỉ đạt khoảng 150 triệu USD, tương đương 0,36% lượng nhập khẩu của EU. Xuất khẩu rau quả sang EU vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục