Thủy sản Minh Phú, Canimex, Thủy sản Cà Mau "bao" khách sạn xịn cho công nhân ở
Trên Lao Động, ông Huỳnh Văn Đậm, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ tỉnh Cà Mau cho biết, có trên 30 doanh nghiệp tại tỉnh Cà Mau đăng ký thực hiện phương án sản xuất trong thời gian giãn cách.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu có số lượng lớn người lao động đã “bao” nhiều khách sạn, trong đó có Khách sạn Mường Thanh (tiêu chuẩn 5 sao) để bố trí cho công nhân ăn, nghỉ trong thời gian thực hiện theo đề án.
Theo ghi nhận của Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau, hiện nay đã có hơn 30 doanh nghiệp thủy sản tại tỉnh Cà Mau đăng ký thực hiện phương án sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Trên Nhà Đầu tư, ông Phan Văn Tâm, Trưởng phòng tổ chức hành chính - Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, bình thường doanh nghiệp có 6.600 công nhân. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp cố gắng để duy trì 30% công suất với mức huy động trên 2.000 công nhân và nhân viên quản lý, trong khi trong khuôn viên nhà máy chỉ đủ chỗ bố trí cho trên 200 công nhân.
Do đó, doanh nghiệp đã thuê 6 khách sạn từ 2 - 4 sao và 1 điểm trường mầm non để bố trí chỗ ở tạm cho hơn 1.700 lao động thực hiện theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”. Riêng khách sạn Mường Thanh đã bố trí được cho 800 lao động. Đồng thời với duy trì sản xuất, doanh nghiệp cũng đã được ngành y tế triển khai tiêm vắc xin cho tất cả người lao động.
“Việc duy trì sản xuất trong thời điểm này chi phí rất cao không thể tính lời lỗ mà chỉ mong muốn giải quyết đầu ra cho bà con nuôi tôm và không để đứt gãy chuỗi sản xuất, đảm bảo công ăn, việc làm cho công nhân. Minh Phú được xem là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam nên nếu Minh Phú mà ngưng sản xuất thì khó tránh được sự hoang mang cho các khách hàng đang nhập khẩu tôm Việt Nam”, ông Tâm chia sẻ.
Công ty cổ phần Camimex, đã xây dựng phương án lưu trú tại 2 khách sạn Sao Kim, Á Đông với 450 lao động…
Ngoài ra các khách sạn khác như: Đông Anh, Gia Hưng, Hoàng Gia, Thế Giới… cũng được các doanh nghiệp “bao” cả khách sạn để bố trí cho người lao động ở tạm.
Công ty chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau (CASES) chọn thuê KS Song Hùng và một số khách sạn khác để bố trí cho 600 công nhân.
Ông Nguyễn Trọng Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty Camimex cho biết: “Công nhân sau khi làm việc ở nhà máy sẽ được bố trí ăn tại căn tin và giặt quần áo bảo hộ lao động tập trung tại các nhà máy. Sau đó họ sẽ được đón trả về khách sạn nghỉ ngơi. Phía công ty cũng bố trí cán bộ quản lý ở tại các khu nghỉ trong khách sạn”.
Theo quy định chung của tỉnh Cà Mau, đối với lao động được bố trí nghỉ ở khách sạn, nhà trọ, Ban chỉ đạo của đơn vị và các địa phương theo dõi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể phải quản lý tại nơi ở, quá trình đi lại, làm việc hàng ngày đảm bảo đi trên một tuyến đường, tuyệt đối không được ghé dọc đường và tiếp xúc với người bên ngoài. Những công ty, xí nghiệp không đăng ký thì tạm ngưng hoạt động để thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Cà Mau được xem là “thủ phủ” của tôm với trên 280.000ha mặt nước ao nuôi, bằng 40% diện tích nuôi tôm của cả nước. Các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh mặt hàng tôm liên quan đến đời sống khoảng 70% dân số của tỉnh.
Hiện, tỉnh Cà Mau có hơn 150.000 hộ nuôi tôm với nhiều hình thức khác nhau: thâm canh, công nghiệp, siêu thâm canh, lúa - tôm... và 20.000 công nhân đang làm việc trong 40 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản.
Theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, 6 tháng đầu năm sản lượng tôm nguyên liệu trên địa bàn đạt hơn 100.000 tấn (tăng 9,5%); sản lượng tôm chế biến đạt 85.250 tấn (tăng hơn 21%); kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm đạt trên 400 triệu USD, tăng 16,6% so cùng kỳ, mục tiêu đặt ra cho cả năm là xuất khẩu tôm đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.