Hà Nội: Tiền thu từ đấu giá đất mới đạt hơn 5% kế hoạch năm 2023
Theo UBND thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, việc đấu giá đất tại các địa phương gặp khó khăn, thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất đạt thấp so với kế hoạch, ảnh hưởng đến chỉ tiêu thu ngân sách, nhất là ở các huyện, thị xã.
Trong đó, thành phố tổ chức được 65 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có 37 phiên đấu giá thành công và 28 phiên đấu giá không thành. Kết quả thu tiền đấu giá đất là 724 tỷ đồng, chỉ đạt 5,42% kế hoạch năm.
Nguyên nhân chủ yếu do thị trường bất động sản giảm nhiệt, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc huy động nguồn lực tài chính. Ngoài ra, cũng có một phần nguyên nhân từ việc giải phóng mặt bằng chậm hoặc còn vướng mắc thủ tục về quy hoạch, đất đai.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đấu giá đất năm 2023, UBND thành phố Hà Nội đã ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và quyết định giá khởi điểm đấu giá đất đối với trường hợp khu đất đấu giá có giá trị từ 30 tỷ đồng trở lên.
Cụ thể, UBND cấp huyện có trách nhiệm thực hiện quyền và nhiệm vụ đã được giao về xác định giá khởi điểm đấu giá đất. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền giải quyết, UBND cấp huyện tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND thành phố xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Thời hạn ủy quyền từ ngày 04/7/2023 đến hết ngày 30/6/2025.
Về tình trạng đấu giá đất kém sôi động, lãnh đạo các địa phương cho biết thị trường đất nền trầm lắng nên không còn cảnh "cò" đất, đầu nậu kéo nhau vào đấu giá rồi bán "lướt sóng" ăn chênh. Dù vậy, đấu giá đất thời điểm này cũng có những bất lợi như giá khởi điểm cao hơn so với mặt bằng chung thị trường, vì thế không có hồ sơ đấu giá. Tuy nhiên, địa phương vẫn phải đấu giá đất 1-2 lần không có hồ sơ đấu giá thì mới có cơ sở để hạ giá khởi điểm xuống.
Anh Quốc Nam, một môi giới bất động sản cho biết, năm nay nhà đầu tư không có hứng thú với đấu giá đất phần vì thanh khoản thị trường kém, khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, lãi suất tăng cao…
"Cùng với đó, việc giá sàn ở nhiều đợt đấu giá hiện nay bị áp ở mức cao hơn so với bình thường. Nhiều địa phương phải áp dụng phương pháp đối chiếu với giá đấu ở các thương vụ trước làm căn cứ, trong khi thực tế, giá ở các đợt đấu giá trước chủ yếu là giá "ảo". Thực tế, giá trị giao dịch nhiều lô đất xung quanh có điều kiện tương tự, thậm chí giá đất của nhiều đợt đấu giá trước đó còn thấp hơn so với giá sàn đấu giá mới nên nhà đầu tư không hứng thú", anh Nam chia sẻ.
Trước năm 2022, Hà Nội là một trong những địa phương ghi nhận hoạt động đấu giá đất sôi động bậc nhất cả nước với nguồn thu từ đất đóng góp một phần quan trọng cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, sau những sự cố liên quan đến hoạt động đấu giá đất cùng với động thái siết chặt tín dụng bất động sản khiến hoạt động này sụt giảm mạnh. Năm qua, Hà Nội đặt chỉ tiêu thu từ đấu giá đất là 12.450 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 11/2022 mới đạt hơn 7.018 tỷ đồng, bằng 56,37% kế hoạch, toàn thành phố chỉ đấu giá thành công 87 dự án với tổng diện tích 14,17 ha.