Tiền vẫn chảy về túi giới cầm quyền Myanmar, và tương lai nền kinh tế là u ám (Kỳ 2)

12/04/2021 06:59 GMT+7
Nhiều nhà kinh tế dự báo các khoản tiền sẽ tiếp tục chảy vào túi giới cầm quyền có liên hệ với quân đội, ngay cả trong bối cảnh cuộc khủng hoảng trong nước trở nên sâu sắc hơn.

Tiền vẫn tiếp tục chảy về túi giới cầm quyền

Bộ trưởng đầu tư và Quan hệ Kinh tế Đối ngoại Tin Tun Naing thuộc chính quyền Đảng Quốc gia vì Dân chủ vừa bị lật đổ hồi tháng trước đã kêu gọi các công ty dầu khí nước ngoài đình chỉ mọi giao dịch với chính phủ quân đội cầm quyền cũng như ngừng mọi khoản thanh toán.

"Các nhà khai thác dầu khí mang lại nguồn thu ngân sách chính cho Myanmar… Ủy ban đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw (CRPH - một tập hợp các nghị sĩ thuộc Đảng Quốc gia vì dân chủ NLD) và tôi lo ngại rằng doanh thu từ các nhà khai thác dầu khí rất có thể sẽ được sử dụng để duy trì chế độ bạo lực của quân đội hiện tại cũng như làm giàu cho các nhà lãnh đạo quân đội”.

Tiền vẫn chảy về túi giới cầm quyền Myanmar, và tương lai nền kinh tế là u ám (Kỳ 2) - Ảnh 1.

Người biểu tình phản đối chính quyền cầm quyền của lực lượng quân đội Myanmar thời điểm ngay sau vụ chính biến hôm 1/2

Tập đoàn dầu khí toàn cầu Total, nhà điều hành mỏ khí đốt ngoài khơi Yadana đã xác nhận sẽ tiếp tục nộp thuế và các khoản phí khác cho nhà nước để bảo vệ nhân viên khỏi tình trạng lao động cưỡng bức. Nhưng trước sức ép của dư luận, tập đoàn này sau đó tuyên bố sẽ đóng góp số tiền thuế hàng tháng tương đương 4 triệu USD cho các nhóm nhân quyền. 

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế dự báo các khoản tiền sẽ tiếp tục chảy vào túi giới cầm quyền có liên hệ với quân đội, ngay cả trong bối cảnh cuộc khủng hoảng trong nước trở nên sâu sắc hơn. 

Một báo cáo gần đây được thực hiện bởi nhà kinh tế tự do liên kết với các tổ chức tài chính Myanmar cảnh báo rằng nền kinh tế Myanmar sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các lĩnh vực mà quân đội nắm vai trò kiểm soát, đặc biệt là dầu khí, khai thác khoáng sản, vận tải và gỗ.

“Mạng lưới lợi ích của quân đội Myanmar đã được đa dạng hóa trong suốt thập kỷ qua. Dù rằng điều đó nghĩa là họ dễ chịu tổn thương hơn khi một cú sốc kinh tế xảy ra, nhưng họ cũng sẽ ở vị thế tốt hơn quần chúng khi chống chọi với một cuộc suy thoái kinh tế… Họ nắm quyền kiểm soát những lĩnh vực chủ chốt, và có khả năng sở hữu nhiều tài sản ở nước ngoài” - một chuyên gia của Nikkei Asian Review nhận định.

Dự báo kinh tế Myanmar màu xám

Không ai có thể dự báo được mức độ nghiêm trọng của hệ quả suy giảm kinh tế khi cuộc đảo chính diễn ra hồi tháng 2.

Nhưng giờ đây, sau hơn 2 tháng bất ổn, nền kinh tế Myanmar đã, đang và sẽ tiếp tục rơi tự do.

Tiền vẫn chảy về túi giới cầm quyền Myanmar, và tương lai nền kinh tế là u ám (Kỳ 2) - Ảnh 2.

Nguy cơ lạm phát tăng cao nếu Ngân hàng Trung Ương Myanmar in thêm tiền để giải quyết tình trạng khan hiếm tiền mặt của Chính phủ

Fitch Solutions dự báo tiêu dùng tư nhân, vốn đóng góp 55% GDP quốc gia Myanmar sẽ tiếp tục suy yếu khi hàng loạt cửa hàng tiện ích đóng cửa do tình trạng bạo lực gia tăng.

Vốn đầu tư trực tiếp FDI đóng góp 31% vào GDP quốc gia cũng đứng trước nguy cơ sụp đổ nghiêm trọng. "Tình hình ở Myanmar hiện đã vượt quá mức bất ổn và chúng tôi dự báo rằng các doanh nghiệp nước ngoài có khả năng ngừng rót vốn FDI, thậm chí là thanh lý tài sản và rút lui hoàn toàn”.

Cũng theo Fitch Solutions, chi tiêu chính phủ - đóng góp 18% động lực tăng trưởng kinh tế - cũng sẽ giảm mạnh trong bối cảnh nguồn thu thuế gần như đình trệ hoàn toàn trong làn sóng biểu tình. “Chúng tôi tin rằng chính phủ do quân đội kiểm soát đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm tiền mặt. Về xu hướng chi tiêu, các gói cứu trợ Covid-19 nhiều khả năng sẽ giảm trong bối cảnh khủng hoảng”.

Fitch Solutions đồng thời cảnh báo nguy cơ lạm phát tăng vọt trong những quý tới. “Đối diện với nguồn thu thuế giảm mạnh gây áp lực lên các nguồn thu ngân sách khác, có khả năng ngân hàng Trung Ương do chính phủ Malaysia kiểm soát sẽ in thêm tiền để hỗ trợ tài chính cho chính phủ cầm quyền, từ đó thúc đẩy lạm phát gia tăng”.

“ Tỷ lệ 1/4 dân số nghèo ở Myanmar (và có khả năng còn tăng cao hơn) cùng với lạm phát tăng vọt sẽ gây áp lực nặng nề lên tiêu dùng cá nhân, đồng thời làm xói mòn lợi nhuận đầu tư, do đó ngăn cản dòng vốn đầu tư” - Fitch Solutions nhấn mạnh.

Thương mại cũng có nguy cơ chìm sâu khi xuất khẩu quặng khoáng sản và nhiên liệu - chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Myanmar - dự kiến đi xuống. Fitch cảnh báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nói chung có nguy cơ giảm 60% trong năm tài chính 9/2020-9/2021. 

Ngay cả khi nhu cầu toàn cầu hoàn toàn phục hồi hậu đại dịch, xuất khẩu hàng hóa của Myanmar vẫn sẽ chứng kiến đà giảm mạnh. “Chúng tôi tin rằng các nhà xuất khẩu lương thực trong nước có xu hướng tích trữ nông sản hơn là xuất khẩu trong bối cảnh khủng hoảng hiện tại”.


NTTD
Cùng chuyên mục