Khi nền kinh tế rơi tự do, giới cầm quyền Myanmar "bỏ túi" triệu USD nhờ bán đá quý (Kỳ 1)

11/04/2021 11:56 GMT+7
Dữ liệu kinh tế vừa công bố bởi một tổ chức nghiên cứu tư nhân cho thấy thực trạng nền kinh tế Myanmar đang xấu đi nhiều so với mức dự báo kể từ sau cuộc đảo chính hôm 1/2.

Nguy cơ lạm phát tăng vọt, thương mại đình trệ và tỷ lệ nghèo đói gia tăng là những gì nghiên cứu chỉ ra khi Myanmar rơi vào bất ổn chính trị sau vụ chính biến hôm 1/2.

Nền kinh tế “rơi tự do”

Cuộc chính biến kéo theo bạo lực leo thang và biểu tình trên cả nước khiến hơn 600 người thiệt mạng và hàng nghìn dân thường bị giam giữ đã khiến nền kinh tế Myanmar vốn đã suy yếu vì cuộc khủng hoảng đại dịch càng trở nên bi đát hơn.

Fitch Solutions trực thuộc cơ quan xếp hạng toàn cầu Fitch Ratings hồi đầu tháng này đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Myanmar trong năm tài chính 2021 (9/2020-9/2021) từ mức tăng 2% xuống -20%. Nguyên nhân là do mức giảm mạnh dự kiến từ kim ngạch xuất khẩu cho đến đầu tư, tiêu dùng, nguồn thu thuế và chi tiêu chính phủ để kích thích nền kinh tế hậu khủng hoảng đại dịch.

“Đình trệ kinh tế là một chiến lược quan trọng của người biểu tình chống đảo chính” - Fitch Solutions nhấn mạnh khi chứng kiến phong trào bất tuân dân sự diễn ra rộng khắp Myanmar. Hàng loạt giới công chức, nhân viên, người lao động khu vực tư nhân đã ngừng đi làm để phản đối chính quyền mới do quân đội kiểm soát. “Chúng tôi tin rằng hoàn cảnh bất ổn xã  hội leo thang trong nước sẽ làm tê liệt nhiều khía cạnh đóng góp vào mức tăng trưởng GDP. Không thể loại trừ trường hợp dự báo xấu nhất nào với nền kinh tế Myanmar”.

Khi nền kinh tế rơi tự do, giới cầm quyền Myanmar "bỏ túi" triệu USD nhờ bán đá quý (Kỳ 1) - Ảnh 1.

Cuộc chính biến hồi đầu tháng 2 đã nhấn chìm nền kinh tế Myanmar trong biểu tình, bất ổn

Dự báo của Fitch cho thấy một góc nhìn tiêu cực hơn nhiều so với dự báo gần đây được World Bank đưa ra, rằng Myanmar có nguy cơ chứng kiến GDP thụt lùi 10% trong năm nay. Tuy nhiên, nó phản ánh ước đoán tương tự của các nhà kinh tế tự do, những người cảnh báo rằng nền kinh tế Myanmar đang trong trạng thái “rơi tự do”.

Trong một ghi chú về Triển vọng Chính sách Vĩ mô, World Bank cảnh báo tầng lớp thu nhập thấp sẽ là những người chịu tác động sâu sắc nhất từ tình trạng hỗn loạn chính trị hiện tại. Và rằng nguy cơ bất ổn kéo dài sẽ dẫn đến tỷ lệ nghèo đói, rủi ro an ninh lương thực tăng cao.

Giới cầm quyền kiếm bộn tiền từ đá quý, khí đốt

Myanmar vốn nổi tiếng với trữ lượng ngọc bích, hồng ngọc, vàng, đồng, thiếc, đá cẩm thạch và rất nhiều kim loại quý hiếm khác.

Một cuộc điều tra của cơ quan giám sát tham nhũng Global Witness ước tính giá trị ngành công nghiệp ngọc bích của Myanmar năm 2014 đã lên tới 31 tỷ USD, tương đương gần 50% GDP quốc gia. Phần lớn số tiền đó về túi quân đội và những lực lượng kiểm soát hoạt động buôn bán tài nguyên.

Khi nền kinh tế rơi tự do, giới cầm quyền Myanmar "bỏ túi" triệu USD nhờ bán đá quý (Kỳ 1) - Ảnh 2.

Ngọc bích được bán tại chợ Mandalay, Myanmar tháng 3/2019 (Ảnh: Reuters)

Trong một ước tính thận trọng hơn, Sáng kiến minh bạch các ngành công nghiệp khai thác đã chỉ ra rằng trong năm tài chính 2017-2018, ước tính có khoảng 975 triệu USD đá quý đã được bán ra từ các cơ sở khai thác của Myanmar. Một báo cáo khác của EITI vào năm 2016 ước tính rằng 60-80% đá quý của Myanmar được bán theo con đường “chợ đen” để trốn thuế.

Các thị trường xuất khẩu khoáng sản chính của Myanmar tính đến năm 2016 là Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ. Dưới thời chính phủ Đảng Quốc gia vì Dân chủ vừa bị lật đổ, các đạo luật điều chỉnh ngành công nghiệp khai thác khoáng sản và gỗ quý đã được thông qua. Nhưng các tập đoàn được quân đội kiểm soát vẫn duy trì lợi ích kinh doanh mạnh mẽ trong ngành.

Một nguồn thu quan trọng khác của chính quyền Myanmar bên cạnh khoáng sản là khai thác, xuất khẩu khí đốt tự nhiên. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, Myanmar thu về 3,3 tỷ USD nhờ xuất khẩu khí đốt tự nhiên trong năm ngoái. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khí đốt và hàng may mặc là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế Myanmar trong giai đoạn 2018-2019, trước khi đại dịch bùng phát.

Trong khi sự suy sụp kinh tế có thể làm giảm mạnh nhiều nguồn thu ngân sách, chính quyền nắm quyền tại Myanmar đang cố gắng kiếm tiền từ nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia thông qua những cuộc đấu giá đá quý, ngọc bích và ngọc trai thu về hàng triệu USD.

Trong những bảng tin hàng ngày, các phương tiện truyền thông địa phương cho hay doanh thu từ các cuộc đấu giá kéo dài hàng chục ngày vào đầu tháng này lên tới 1-6,4 triệu USD mỗi ngày. Chẳng hạn, chỉ tính riêng hôm thứ Năm, doanh thu bán ngọc bích đã lên tới 9,2 tỷ kyat (6,4 triệu USD).

Các cuộc đấu giá đá quý thường xuyên được tổ chức bởi một số công ty liên kết với các tập đoàn Myanma Economic Holdings Limited và Myanmar Economic Corporation do quân đội kiểm soát.

Trong một động thái chỉ trích các cuộc đấu giá như vậy, Bộ Tài chính Mỹ hôm 7/4 đã thêm một nhà sản xuất ngọc bích thuộc sở hữu nhà nước Myanmar là Myanma Gems Enterprise vào danh sách đen. Hành động này nhằm hạn chế nguồn tài trợ của chính quyền cho Myanma Gems Enterprise. Trước đó, Nhà Trắng cũng tuyên bố hàng loạt biện pháp trừng phạt với Myanmar Ruby Enterprise, Myanmar Imperial Jade Co. và Cancri Co., đều là những nhà kinh doanh đá quý do quân đội Myanmar kiểm soát.


NTTD
Cùng chuyên mục