Tín dụng chính sách “mở lối” cho người dân Quảng Nam thoát nghèo
"Trụ cột" giảm nghèo bền vững
Ông Lê Hùng Lam - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam cho biết: "Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, chúng tôi đã tham mưu các cấp uỷ, chính quyền địa phương bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương đạt 772,6 tỷ đồng, chiếm 9,8% trong tổng nguồn vốn cho vay của chi nhánh. Bên cạnh đó, các cấp uỷ, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội cũng đã tổ chức phát động huy động gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo, với tổng nguồn vốn huy động qua tổ chức, cá nhân và qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn đạt 1.251 tỷ đồng, đã góp phần cùng nguồn vốn của Trung ương đáp ứng nhu cầu đầu tư vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác".
Hiện nay, tổng dư nợ toàn chi nhánh là 7.842 tỷ đồng, với 21 chương trình tín dụng đã và đang thực hiện, với hơn 142 ngàn khách hàng còn dư nợ. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/CP của Chính phủ, trong giai đoạn 2022-2023 chi nhánh đã cho vay 856.352 triệu đồng, thực hiện hỗ trợ lãi suất số tiền 62.376 triệu đồng. Tỷ lệ nợ xấu toàn chi nhánh đến nay là 0,17%/tổng dư nợ, trong đó tỷ lệ nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,05%.
Chúng tôi cùng cán bộ NHCSXH huyện Hiệp Đức đến thăm mô hình kinh tế vườn rừng của anh Hồ Văn Thám (người đồng bào Ca Dong) ở thôn Trà Huỳnh, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, anh Thám là một tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi tại địa phương.
Anh Thám chia sẻ: Năm 2014, vợ chồng anh vay 50 triệu đồng của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hiệp Đức để đầu tư trồng 3ha keo, đến năm 2018 anh thu hoạch keo được hơn 100 triệu đồng; số tiền trên anh sử dụng trả tiền vay, sửa chữa lại nhà cửa, trang bị đồ dùng gia đình và trở thành hộ thoát nghèo.
Nhận thấy hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách nên năm 2020 anh tiếp tục vay 100 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo của NHCSXH để mở rộng quy mô trang trại, đến nay gia đình anh đã có gần 5ha keo, 5 con bò và đàn dê hơn 30 con, cùng ao nuôi cá.
"Với mô hình kinh tế vườn rừng như thế này, mỗi năm tôi thu nhập hơn 150 triệu đồng, nhờ đó mà cuộc sống gia đình đã khá giả hơn trước rất nhiều, nuôi con ăn học, xây dựng được ngôi nhà mới khang trang...", anh Thám phấn khởi nói.
Theo anh Thám, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay anh nhận được sự quan tâm giúp đỡ rất lớn của chính quyền địa phương. Đặc biệt, nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hiệp Đức đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho vợ chồng anh mạnh dạn mở rộng quy mô trang trại.
Hay như hộ anh Mai Tuấn ở thôn Phú Mỹ (xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành) được tiếp cận vay 90 triệu đồng từ nguồn chính sách xã hội, anh đầu tư xây dựng mô hình trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái. Hiện nay, mô hình này đang tạo việc làm cho 5 lao động với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng, tạo lợi nhuận 70 triệu đồng/năm.
Từng là hộ nghèo phải chạy cơm từng bữa, chị Trần Thị Kim Hưng (người dân tộc Mường ở thôn 3, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My) phấn khởi nói: "Gia đình tôi trước đây thuộc hộ nghèo nên được chính quyền địa phương và NHCSXH tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này, vợ chồng tôi tính toán nấu rượu bán, nuôi heo đen, làm vườn kết hợp nuôi bò, trâu và nuôi cá.
Cùng với đó, tôi mạnh dạn vay vốn chương trình dự án phát triển ngành lâm nghiệp để trồng cây keo. Đến nay, vợ chồng tôi đã có công việc ổn định, cho thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng. Ở miền núi thì đây là mức thu nhập cao giúp kinh tế gia đình tôi khấm khá và thoát nghèo bền vững. Hiện nay, tôi đã trả được 50 triệu đồng vốn vay chương trình hộ nghèo và chỉ còn nợ ngân hàng 86 triệu đồng chương trình dự án phát triển ngành lâm nghiệp".
Nguồn vốn tín dụng chính sách trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Từ đó có thể khẳng định rằng, tín dụng chính sách là một trong những "trụ cột" giúp giảm nghèo bền vững, tạo sinh kế cho người dân, tạo nguồn lực cho địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Gắn trách nhiệm với cộng đồng
Ông Lam cho biết, những năm qua, việc thực hiện ủy thác nguồn vốn qua các tổ chức, Hội, đoàn thể không chỉ thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, mà còn huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Đến nay, dư nợ vốn ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 7.819 triệu đồng, chiếm 99,7% dư nợ với 3.392 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 141.954 hộ vay còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giúp cho hội viên nói riêng và các hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhiều cơ hội tiếp cận vốn tín dụng chính sách.
Không chỉ tham gia hoạt động cho vay và tiếp sức vốn ưu đãi cho bà con nông dân, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam còn tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng và tạo nhiều dấu ấn trong công tác an sinh xã hội của địa phương.
Đối với xã kết nghĩa Trà Vân (huyện Nam Trà My), Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam tập trung đầu tư vốn tín dụng ưu đãi cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế với tổng dư nợ hiện nay là hơn 22.835 triệu đồng cho 517 hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Thêm vào đó, đơn vị còn hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây hàng chục con bò nuôi sinh sản để thoát nghèo bền vững, làm đường giao thông nông thôn, tặng quà Tết cho gia đình nghèo, đối tượng chính sách....
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam nhận phụng dưỡng suốt đời cho 9 Mẹ Việt Nam Anh Hùng; hỗ trợ 19 lá chưa lành trong chương trình "Cặp lá yêu thương"; hỗ trợ 19 em học sinh – sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi do dịch bệnh Covid-19 với 6 triệu đồng/người/năm; tặng quà nhân các ngày lễ lớn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, các tổ chức xã hội nhân đạo trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, thiên tai....
Được biết, tổng kinh phí thực hiện an sinh xã hội hằng năm là từ Công đoàn cơ sở NHCSXH tỉnh và hỗ trợ của Công đoàn NHCSXH Trung ương với số tiền gần 600 triệu đồng, được huy động từ đóng góp của cán bộ, người lao động toàn chi nhánh để tham gia các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo, từ thiện.
"Trong giai đoạn tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục bám sát định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ của NHCSXH Việt Nam, Nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị để triển khai hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm; phấn đấu tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ tín dụng hằng năm từ 8-10%; đẩy mạnh hoạt động cho vay, tăng hạn mức vay; tiếp tục duy trì và giữ vững chất lượng tín dụng; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn bảo đảm hiệu quả bền vững...", ông Lê Hùng Lam - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam cho biết cho hay.